>> Chứng khoán ngày 16/4: ‘phút 90’ vượt ngưỡng 780 điểm
HOSE – SAB tiếp tục dẫn dắt
Lo ngại một phiên điều chỉnh của giới phân tích đã không xảy ra. Sau 25 phút giao dịch đầu phiên, chỉ số VN-Index phá vỡ ngưỡng kháng cự tiếp theo 790 điểm, tăng 10 điểm so với tham chiếu. Sắc xanh áp đảo trên bảng điện tử với 239 mã tăng và chỉ có 39 mã giảm. Trong đó, mã SAB tiếp tục dẫn đầu rổ VN30 khi tăng 5%, HDB theo sau với 4,8%.
Do tăng nóng và áp lực bán gia tăng tại ngưỡng kháng cự mới, sự điều chỉnh sau đó là khó tránh khỏi, chỉ số VN-Index tụt trở lại vùng 783 điểm, vẫn cao hơn 3 điểm so với tham chiếu. Tại đây thị trường ghi nhận đáy thấp nhất trong ngày.
Sau một 1 giờ chững lại tại vùng đáy ngày, chỉ số chính đã lấy lại được đà tăng trong khoảng thời gian còn lại của phiên sáng và tạm dừng nghỉ trưa tại 787,3 điểm, tăng 6,6 điểm (+0,85%) với 257 mã tăng và 97 mã giảm giá. Dòng tiền mua vào không còn dè dặt như hôm qua, giá trị giao dịch trong sáng nay đạt 2,75 nghìn tỷ đồng, tương đương 175,8 triệu đơn vị.
Đến chiều, đà tăng tiếp tục được duy trì, chỉ số chính lần nữa thử thách mốc 790 điểm. Nhờ lực cầu mạnh và sự dẫn dắt của SAB, VN-Index duy trì độ cao khá ổn và đóng cửa tại 789,6 điểm, tăng 8,9 điểm (+1,14%) so với tham chiếu và tăng gần 32 điểm (+4,2%) so với cuối tuần trước. Thị trường đánh dấu một tuần làm việc hiệu quả của chỉ số chính với cả 5 phiên tăng điểm.
Chốt phiên hôm nay có 281 mã tăng và 87 mã giảm giá, trong đó, 45 mã tăng trần và 8 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 25 mã tăng giá, trong đó, nhóm dẫn đầu gồm MWG tăng 6,63%; SAB tăng 4,95%; SBT tăng 4,58%; CTD tăng 3,87% và MBB tăng 3,03%.
So với cuối tuần trước, rổ VN30 chỉ có VNM và ROS giảm giá với lần lượt 0,3% và 4,4%. Trong 28 mã tăng giá trong rổ, tám mã tăng trên 10% gồm SAB, CTD, VPB, MWG, VRE, FPT, HPG, SBT.
Tuy nhiên, so với ngày 31/3, toàn bộ rổ VN30 đều tăng giá. Trong đó, 11 mã tăng trên 20% gồm SSI, ROS, TPB, BVH, VRE, STB, MSN, GAS, VHM, MWG, POW.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, ngành ngân hàng có duy nhất VPB giảm giá 1,38%. Tuy nhiên, các mã còn lại tăng giá khiêm tốn, riêng MBB tăng đáng kể 3% và HDB tăng 2,63%. Do đó, ngành này góp phần lên VN-Index với 1,2 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup có VIC và VHM tăng giá trên dưới 1%, VRE đứng giá, nên đã giúp VN-Index thêm 1,2 điểm ảnh hưởng.
Mặt khác, ở cổ phiếu riêng lẻ, SAB, MWG, HVN với mức tăng giá ấn tượng đã góp vào chỉ số chính lần lượt 1,4 điểm, 0,7 điểm và 0,6 điểm ảnh hưởng.
Theo báo cáo mới nhất gửi HOSE, Chủ tịch Novaland, ông Bùi Thành Nhơn tiếp tục đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu để đầu tư. Giao dịch dự kiến từ ngày 21/4 đến 20/5. Trước đó, ông Nhơn vừa mua 5 triệu cổ phiếu NVL bằng phương thức thoả thuận và khớp lệnh, từ ngày 20/3 đến 15/4. Thị giá cổ phiếu NVL đóng cửa hôm nay tại 52.700 đồng, giảm 11% so với ngày 31/12/2019.
Vietjet Air vừa cho biết đã đạt thoả thuận với các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế để hoãn trả nợ cho 70-80% khoản vay mua máy bay trong 3 đến 12 tháng. Các đơn vị cho vay gồm HSBC, Citibank và World Bank. Đồng thời, hãng hàng không này cũng đang tìm cắt giảm 30-70% chi phí và trì hoãn các khoản thanh toán khác cho nhà cung cấp. Lãnh đạo Vietjet cho biết, đây là một phần trong nỗ lực duy trì hoạt động bình thường và chuẩn bị trở lại mạnh mẽ khi kết thúc đại dịch.
Hiện tại, Vietjet và các hãng hàng không trong nước đã tăng trở lại tần suất bay nội địa. Từ 16/4, Vietjet tăng tần suất các chuyến bay khứ hồi Hà Nội – TP. HCM lên 2 chuyến mỗi ngày, 1 chuyến khứ hồi mỗi Hà Nội – Đà Nẵng và 1 chuyến khứ hồi TP. HCM – Đà Nẵng. Bên cạnh đó, mỗi ngày hãng còn khai thác khoảng 10 chuyến bay chuyên chở hàng hóa.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 23% về lượng và 34% về giá trị so với phiên trước, đạt 309,9 triệu đơn vị, tương ứng với 5,37 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,4 triệu đơn vị, giá trị 1,18 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ROS (-2%) với 16,2 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là HPG (+2,2%) với 8,8 triệu đơn vị và CTG (+1,5%) đạt 8,6 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 14 liên tiếp với 392,2 tỷ đồng, tương đương 14,8 triệu đơn vị, tăng 1,9 lần về giá trị nhưng tăng 2,7 lần về lượng so với phiên trước.
Trong đó, HPG dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 43,9 tỷ đồng, tương đương 2,14 triệu đơn vị.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VNM với 82,9 tỷ đồng, tương đương 835,5 nghìn đơn vị. VIC theo sau bị bán ròng 68,5 tỷ đồng, tương đương 715 nghìn đơn vị, ghi nhận phiên thứ 13 bán ròng liên tiếp. Tiếp đó, VPB bán ròng 33,76 tỷ đồng, HDB với 28,8 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, sáu mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, TS4 (CTCP Thủy sản số 4) tăng 8 lần; NAF (CTCP Nafoods Group; đóng cửa tại giá trần) tăng 4,6 lần; CTS (CTCP Chứng khoán ngân hàng công thương VN) tăng 4,5 lần; TLH (CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên; giá trần) tăng 4,4 lần; AGM (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang; giá trần) tăng 4,3 lần; CRC (CTCP Create Capital VN) tăng 4,3 lần.
Bình luận cuối phiên
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tuần tới, Vn-Index sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 800-820 điểm. Dòng cổ phiếu dẫn dắt và vốn hóa lớn đang có dấu hiệu chững lại ở các vùng giá cao sau một nhịp tăng trưởng mạnh về giá. Dòng tiền đang có sự dịch chuyển đến các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều thuộc nhóm midcap và penny.
Theo BVSC, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
HNX – ACB thành trụ chính
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến khá giống với VN-Index, chỉ số HNX-Index phá vỡ ngưỡng kháng cự mới 110 điểm từ sớm. Sau nhịp hồi nhẹ kỹ thuật, chỉ số này từ từ đi lên trở lại và đóng cửa gần đỉnh ngày tại 110,46 điểm, tăng 1,72 điểm (+1,58%), với 104 mã tăng giá và 57 mã giảm giá.
Tuần này, chỉ số HNX-Index tăng điểm 4 phiên và duy nhất phiên ngày 14/4 giảm nhẹ. So với cuối tuần trước, chỉ số này tăng 4%, tương đương 4,3 điểm.
ACB (+2,94%) là mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng hôm nay của chỉ số HNX-Index với 0,5 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 31% về lượng và 22% về giá trị so với phiên trước, đạt 50,5 triệu đơn vị, tương ứng với 0,56 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, HUT (+6,7%) dẫn đầu sàn khi đạt 6,88 triệu đơn vị. PVS (+2,5%) theo sau với 5,6 triệu đơn vị, SHB (+0,6%) đạt 4,93 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 28,14 tỷ đồng, tương đương 3,96 triệu đơn vị, tăng 69% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 15 mã và mạnh nhất là INN được mua ròng 426 triệu đồng, tương đương 17,2 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 34 mã và mạnh nhất là SHB đạt 12,9 tỷ đồng, tương đương 718,5 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, PVG (CTCP Kinh doanh khí miền Bắc) tăng 13,7 lần; PLC (Tổng công ty hóa dầu Petrolimex; đóng cửa tại giá trần) tăng 10 lần.