Dòng tiền vẫn duy trì ở mức khá tốt, nhưng đà giảm của nhóm bluechip khiến VN-Index quay đầu chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/8: MWG, GMD, ACV, NLG
Trong phiên sáng, VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu nhưng đóng cửa vẫn duy trì sắc xanh khi dòng tiền vẫn hoạt động tích cực. Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, sau ít phút tích cực đầu phiên, lực cung diễn ra mạnh ở một số mã bluechip cuối phiên đã đẩy VN-Index xuống dưới tham chiếu, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, dù trên bảng xuất hiện nhiều con sóng đơn lẻ.
Chốt phiên, VN-Index giảm 0,65 điểm (-0,07%), xuống 873,47 điểm với 182 mã tăng, trong khi có 209 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 352,4 triệu đơn vị, giá trị 6.233,8 tỷ đồng, giảm 11,7% về khối lượng và 17,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,6 triệu đơn vị, giá trị 609,4 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí tiếp tục giao dịch tích cực trong phiên chiều, thậm chí PVD đã được kéo lên mức giá trần 11.400 đồng khi chốt phiên, khớp 17,34 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HOSE.
PXS cũng nối gót PVD đóng cửa với sắc tím 4.910 đồng và còn dư mua giá trần, nhưng thanh khoản thấp hơn rất nhiều.
PTL dù không thể giữ được mức trần 7.760 đồng, nhưng cũng tăng mạnh 6,61% lên 7.740 đồng, khớp hơn 1,16 triệu đơn vị.
Các mã dầu khí khác cũng giao dịch tích cực là PET, PVT, PXI khi đều tăng giá. Trong các mã lớn, trong khi PLX nới rộng đà tăng lên 1,98% lên 51.400 đồng, thì GAS lại đảo chiều giảm nhẹ 0,41% xuống 73.500 đồng.
Ngoài các mã dầu khí, trong nhóm cổ phiếu lớn chứng khoán ngày 26/8 chủ yếu giảm giá, nhưng mức giảm không mạnh, trong đó giảm mạnh nhất là HPG cũng chỉ giảm 1,43% xuống 24.200 đồng, mức thấp nhất ngày. Tổng khối lượng khớp 16,3 triệu đơn vị, đứng sau PVD, trong đó khối ngoại bán ròng rất lớn, khoảng 6,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, tăng mạnh nhất chính là PLX và cũng chỉ có thêm 2 mã tăng trên 1% là VJC (+1,11% lên 100.600 đồng) và GVR (+1,28% lên 11.900 đồng, đã hạ nhiệt nhiều so với phiên sáng).
Trong các mã thị trường, dù chịu rung lắc mạnh nửa đầu phiên sáng, nhưng HAP sau đó đã lấy lại sắc tím khi chốt phiên sáng và duy trì mức trần trong suốt phiên chiều do không lực cầu vẫn thắng thế hoàn toàn trước lực cung chốt lời. Qua đó, HAP ghi nhận phiên tăng trần thứ 15 liên tiếp, lên 8.280 đồng, khớp gần 3,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Tương tự, do không có lực cung, nên TTF vẫn yên vị ở mức trần 3.610 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 3 triệu đơn vị. Diễn biến tương tự cũng diễn ra ở MHC, LHG, VPS, TAC, HII.
Ngoài ra, phiên chiều còn xuất hiện thêm một vài con sóng nữa như OGC lên mức trần 5.000 đồng, khớp 5,36 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. D2D sau bài phân tích đánh giá kết quả kinh doanh và định giá tốt, nhưng giá cổ phiếu ì ạch cũng đã được kéo lên mức trần 68.600 đồng khi chốt phiên hôm nay, thanh khoản đạt gần 0,7 triệu đơn vị.
Một số mã khác cũng nhăm nhe tạo sóng, nhưng không thể giữ được sắc tim khi chốt phiên như TDH, NKG, JVC, CMX.
Trên HNX, diễn biến của chỉ số chính sàn này tích cực hơn khi giằng co nhẹ quanh mức đóng cửa phiên sáng nhờ phong độ của VCG, PVS, trong khi SHB đảo chiều giảm đã có ngay ACB thay thế nâng đỡ.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,42%), lên 123,89 điểm với 92 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,8 triệu đơn vị, giá trị 845,5 tỷ đồng, tăng 15,6% về khối lượng và 27,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,26 triệu đơn vị, giá trị 148,3 tỷ đồng.
Trong đó, PVS vẫn duy trì đà tăng 4,03% như phiên sáng, chốt phiên chứng khoán ngày 26/8 ở mức 12.900 đồng, khớp 11,3 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX.
ACB đóng cửa tăng 0,47% lên 21.200 đồng, khớp 6 triệu đơn vị, trong khi SHB lại đảo chiều giảm 1,47% xuống 13.400 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu lớn trên HNX chỉ có thêm VCS giảm nhẹ 0,31% xuống 65.000 đồng và NVB giảm 1,2% xuống 8.200 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị.
Trong các mã tăng, ấn tượng có IDC tăng 9,14% lên 21.500 đồng, VCG tăng 8,02% lên 35.000 đồng, VIF tăng 3,09% lên 16.700 đồng.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, ngoài PVS, sàn HNX còn có PVC cũng tăng 7,27% lên 5.900 đồng, PVB tăng 4,6% lên 18.200 đồng…, hay các cổ phiếu khí như PLC, PVG cũng có sắc xanh.
Hai mã đáng chú ý trong phiên sáng tiếp tục giữ nguyên diễn biến trong phiên chiều. Trong đó, DST giảm sàn xuống 5.600 đồng, khớp 5,68 triệu đơn vị và còn dư bán sàn, nhưng không còn lớn như phiên sáng, trong khi LIG yên vị ở mức trần 4.900 đồng, khớp 1,13 triệu đơn vị, không thay đổi nhiều so với phiên sáng do thiếu cung.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường này chủ yếu dao động trong sắc đỏ suốt phiên sáng.
Chốt phiên chứng khoán ngày 26/8, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,57%), lên 58,52 điểm với 123 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,5 triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,54 triệu đơn vị, giá trị 108,3 tỷ đồng.
LPB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 6,3 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,09% xuống 9.100 đồng. Tiếp đó là BSR khớp gần 2,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,03% lên 6.800 đồng.
Tiếp theo là BVB khớp 1,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,67% lên 11.200 đồng. VIB khớp 1,75 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,83% lên 22.200 đồng. SBS khớp 1,24 triệu đơn vị và vẫn ở mức trần 1.300 đồng, còn dư mua giá trần. Phiên chiều có thêm OIL khớp trên 1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,58% lên 8.100 đồng.
VCR và PPI giao dịch tích cực trong phiên chiều và đều đóng cửa phiên chứng khoán ngày 26/8 ở mức trần lần lượt là 18.200 đồng và 700 đồng.
Trên thị trường phái sinh lại có sự trái chiều, trong đó hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất và xa nhất tăng nhẹ, trái chiều với VN30-Index, còn 2 hợp đồng còn lại giảm nhưng nhẹ hơn VN30-Index. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,35% xuống 812,36 điểm, còn VN30F2009 tăng 0,02% lên 813,2 điểm với 158.386 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 27.421 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 15 mã tăng giá, trong khi sắc đỏ tràn ngập. Trong đó, CHPG2011 và CVNM2002 là 2 mã có thanh khoản tốt nhất vơi shown 446.000 đơn vị, nhưng đóng cửa trái ngược nhau. Trong khi CHPG2011 giảm 4,29% xuống 2.680 đồng, thì CVNM2002 lại tăng 2,39% lên 860 đồng.
(Theo ĐTCK)