Chứng khoán ngày 6/5: Tâm điểm VHM – Khối ngoại bán ròng khủng

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 25 liên tiếp (chủ yếu là VHM) với 2,38 nghìn tỷ đồng, tương đương 48,05 triệu đơn vị, tăng đột biến 20 lần về giá trị.

>> Chứng khoán ngày 5/5: Thanh khoản yếu, VNM và GAS giúp VN-Index vớt lại sắc xanh

Chứng khoán ngày 6/5: Tâm điểm VHM - Khối ngoại bán ròng khủng
Phối cảnh khu đô thị VinCity do Vinhomes quản lý.

HOSE – VHM tạo thanh khoản đột biến

Mặc dù thị trường hôm nay mở cửa trong sắc xanh nhưng tâm lý nhà đầu tư chủ yếu vẫn thận trọng. Chỉ số VN-Index tiến sát mốc 770 điểm, cao hơn 5 điểm so với tham chiếu ngay sau ATO nhờ lực kéo mạnh của SAB khi tăng giá 4,2%. CTD và GAS theo sau 2,3%. Tuy nhiên, thị trường tiếp tục phân hóa mạnh với số mã tăng giảm khá cân bằng.

Kịch bản sáng qua lặp lại, chỉ số VN-Index khó giữ độ cao sau khi tăng nóng đầu phiên và quay lại sát mốc tham chiếu. Áp lực xả hàng gia tăng khiến nhiều mã lớn thu hẹp đà tăng.

Tuy nhiên, vào nửa cuối phiên sáng, thanh khoản bất ngờ tăng vọt nhờ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VHM trị giá 2,15 nghìn tỷ đồng, tương đương 35,76 triệu đơn vị. Mặc dù chỉ tập trung ở một mã nhưng cũng tạo nên đòn bẩy về mặt tâm lý khiến nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền.

Do đó, chỉ số chính nhanh chóng lấy lại đà tăng và tạm dừng phiên sáng ở 775,15 điểm, tăng 10,99 điểm (+1,44%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch tăng tới 166,6% so với sáng qua, đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 159,1 triệu đơn vị. Nếu không tính giao dịch thỏa thuận đột biến của VHM thì giá trị giao dịch đạt 2,15 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với sáng qua.     

Vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 770 điểm đầu phiên, đến chiều, chỉ số chính ‘thừa thắng xông lên’ khi tiếp tục phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng hơn 780 điểm, cao hơn 16 điểm so với tham chiếu vào lúc 14h20.

Tâm lý hứng phấn lan rộng kéo hàng trăm mã tăng giá giúp chỉ số chính đóng cửa ở mức 782 điểm, tăng 18,43 điểm (+2,41%) so với tham chiếu.

Chốt phiên hôm nay có 247 mã tăng và 104 mã giảm giá, trong đó, 22 mã tăng trần và 10 mã giảm sàn.

Rổ VN30 có 28 mã tăng giá, trong đó CTD tăng trần. Ngoài ra, chín cổ phiếu tăng trên 3% gồm VHM, GAS, SAB, HPG, VRE, PLX, FPT, BVH, POW.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu Vingroup hôm nay là ‘công thần’ khi cả ba mã VIC, VHM và VRE đều tăng giá mạnh và đóng góp vào đà tăng của VN-Index 6,4 điểm ảnh hưởng.

Nhóm ngân hàng chủ yếu tăng giá trừ HDB giảm nhẹ 1,16% và EIB đứng giá. Do đó, ngành này đã góp phần vào đà tăng của VN-Index 2,8 điểm ảnh hưởng.

Ở cổ phiếu riêng lẻ, GAS, SAB và GVR là ba mã đẩy mạnh chỉ số chính lên thêm 3,7 điểm ảnh hưởng.  

Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 28% về lượng và 86% về giá trị so với phiên trước, đạt 272,4 triệu đơn vị, tương đương 6,37 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,5 triệu đơn vị, tương đương 2,93 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản hôm nay đạt mức cao nhất trong gần 5 tháng qua.

Đáng chú ý, mã ROS (+0,6%) với 12,2 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là HSG (+5,5%) với 9,9 triệu đơn vị và STB (+1,9%) đạt 8,4 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 25 liên tiếp với 2,38 nghìn tỷ đồng, tương đương 48,05 triệu đơn vị, tăng đột biến 20 lần về giá trị và 3,8 lần về lượng so với phiên trước.

Đáng chú ý, giao dịch đột biến của khối ngoại đến từ mã lớn VHM khi thỏa thuận bán ra gần 35,76 triệu đơn vị với tổng giá trị lên tới 2,15 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố này, khối ngoại chỉ bán ròng 12,29 triệu đơn vị, giá trị gần 235 tỷ đồng.

Theo đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cũng là VHM với 2,17 nghìn tỷ đồng, tương đương 36,21 triệu đơn vị. STB theo sau bị bán ròng 40,62 tỷ đồng, VRE với 27,3 tỷ đồng.

Trái lại, không có mã nào được khối ngoại mua ròng 10 tỷ đồng. HSG dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 9,28 tỷ đồng, tương đương 1,17 triệu đơn vị.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là HPG với 23,73 tỷ đồng, tương đương 1,1 triệu đơn vị. Ba mã khác bị bán ròng trên 10 tỷ đồng gồm NVL, CTG, DPM.

Trong phiên giao dịch hôm nay, sáu mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, UIC (CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO; đóng cửa giá sàn) tăng 190 lần; SMB (CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung) tăng 18,5 lần; HTN (CTCP Hưng Thịnh Incons) tăng 6,9 lần; TIP (CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa) tăng 6,5 lần; SJS (CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà) tăng 4,6 lần; CTI (CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO) tăng 4,2 lần.

HNX – ACB và SHB giúp chỉ số HNX-Index quay lại vùng 106 điểm

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index tiếp tục lình xình trong vùng 105 điểm trong 2/3 thời gian đầu phiên hôm nay và sau đó vọt lên đóng cửa tại 106,66 điểm, tăng 1,25 điểm (+1,18%), với 98 mã tăng giá và 63 mã giảm giá.

ACB (+2,46%) và SHB (+1,97%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số chính với lần lượt 0,4 điểm và 0,2 điểm điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch tăng 80% về lượng và 50% về giá trị so với phiên trước, đạt 52,8 triệu đơn vị, tương đương 417 tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, KLF (giảm sàn) dẫn đầu sàn khi đạt 15,15 triệu đơn vị. PVS (+2,5%) theo sau với 5,7 triệu đơn vị, ACB (-2,6%) đạt 4,45 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 24,09 tỷ đồng, tương đương 2,05 triệu đơn vị, tăng 132% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 28 mã và mạnh nhất là PVI được mua ròng 496 triệu đồng, tương đương 16,2 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 18 mã và dẫn đầu là PVS đạt 18,86 tỷ đồng, tương đương 1,56 triệu đơn vị.    

Trên sàn Hà Nội hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, KDM (CTCP Đầu tư HP Việt Nam; đóng cửa giá trần) tăng 11,8 lần; SDT (CTCP Sông Đà 10) tăng 5,7 lần.

Bình luận cuối phiên

Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục tốt trong phiên hôm nay với thanh khoản khớp lệnh vẫn chỉ ở mức thấp với khoảng 3.800 tỷ đồng trên hai sàn. Nếu loại bỏ việc bán thỏa thuận VHM thì khối ngoái tiếp tục chuỗi bán ròng với khoảng 230 tỷ đồng trên hai sàn.

Phiên tăng hôm này đã giúp cho các tín hiệu kỹ thuật của VN-Index được cải thiện, tuy nhiên hiện chỉ số này đã tiến vào vùng kháng cự tương đối mạnh trong khoảng 780-800 điểm (fibonacci retracement 38,2% – ngưỡng tâm lý) nên những rung lắc có thể diễn ra mạnh hơn.

SHS dự báo, trong phiên ngày 7/5, VN-Index có thể sẽ quay trở lại trạng thái rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 780-800 điểm (fibonacci retracement 38,2% – ngưỡng tâm lý). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng trong phiên để giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 750 điểm.

Còn Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, VN-Index có sự chuyển biến khá tích cực về mặt xu hướng khi đóng của trên ngưỡng 780 điểm trong phiên hôm nay. Chỉ số dự báo sẽ quay lại thử thách vùng đỉnh cũ tại 796-800 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sau phiên tăng mạnh hôm nay, thị trường có thể sẽ gặp áp lực rung lắc và tích lũy trong một hai phiên trước khi tiếp tục qua trình đi lên.

Diễn biến thị trường hiện tại sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi thông tin kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch sản xuất kinh cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp 15-20% cổ phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn có thể xem xét mở các vị thế mua trading với tỷ trọng thấp khi chỉ số kiểm định lại vùng hỗ trợ 775-780 điểm.

Next Post

Giá vàng ngày 7/5: Giảm mạnh dưới áp lực từ dầu thô và đô la

T5 Th5 7 , 2020
Giá vàng dường như đang chịu áp lực tiêu cực từ các thị trường quan trọng bên ngoài gồm giá dầu thô thấp hơn và chỉ số đồng USD cao hơn.
Copyright All right reserved

Chuyên mục