Khu vực dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất, góp phần tạo nên mức tăng trưởng GDP quý II cao nhất trong vòng 11 năm qua.
>> Sai lầm của các ngân hàng trung ương và sự trả giá của các nền kinh tế
Kinh tế nửa đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Kết quả, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2021.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%, đóng góp 4,56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,87%, đóng góp 46,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 48,59%.
Về sử dụng GDP quý II năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 4,57%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,88%.
Với kết quả khả quan trên, GDP 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận mức tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm trước (năm 2020 tăng 2,04%; năm 2021 tăng 5,74%) nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 5,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, đóng góp 48,33%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, đóng góp 46,60%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng gỗ khai thác và xuất khẩu gỗ khởi sắc; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, ngành nông nghiệp nửa đầu năm nay tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,97% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,95%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp nửa đầu năm nay tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,94 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%, thấp hơn mức tăng 11,3% và tương đương mức tăng 9,63% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 2,58 điểm phần trăm.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 2,28%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 3,65%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ nửa đầu năm nay tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn mức tăng 0,49% và 3,92% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ của các năm 2014-2019 .
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: bán buôn và bán lẻ tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,58 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,94%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP nửa đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
Theo TheLEADER