Bộ tài chính tiếp tục đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng
Tại hội nghị Thủ tướng với các địa phương ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bộ vẫn đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế thu nhập cá nhân thêm 2 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ người phụ thuộc tăng 800 nghìn đồng lên 4,4 triệu đồng/ tháng.
Theo đó, sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi từ việc điều chỉnh này, trong đó 1 triệu đối tượng sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10.300 tỷ đồng.
Trước đó, đề xuất nâng lên 11 triệu/tháng đã được Bộ Tài chính đưa ra hồi tháng 2, song nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Một số chuyên gia cho rằng thay vì áp ngưỡng chịu thuế trên cơ sở tốc độ tăng CPI như đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra, nên tính ngưỡng chịu thuế trên cơ sở thu nhập của người dân thì hợp lý hơn.
Giải thích tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, mức mới này được tính toán theo đúng quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2013 là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng.
Ngoài ra, tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, Chính phủ sẽ trình việc điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ 1/7. Mức thuế suất dự kiến áp dụng 15-17% tuỳ thuộc quy mô doanh thu, số lao động của doanh nghiệp. Hộ kinh doanh nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được miễn khoản thuế này trong 2 năm từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.
Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, Bộ Tài chính dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp (tức 93% tổng số doanh nghiệp trên cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).
Cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân trong mùa dịch Covid-19.
Cụ thể, miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới, chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài…; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư điều chỉnh giảm giá 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Bộ cũng ưu tiên bố trí khoảng 36.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
Ngân sách nhà nước ưu tiên nguồn lực 16,2 nghìn tỷ đồng phòng chống dịch. Trong đó, đã dành khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng cả ngân sách Trung ương và địa phương để mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch.
Dự kiến, trong thời tới, có thể tiếp tục phải tăng chi thêm để đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch này. Dành khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng để chi chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly.
Đề xuất giảm giá điện của EVN
Về giá điện, ông Dũng cho biết, cơ quan này đồng ý với đề xuất giảm giá điện cho một số đối tượng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương.
Theo ông Dũng, các mức đề xuất lần này giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN, như vậy sẽ làm giảm các khoản thu ngân sách từ thuế, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này so với kế hoạch.
Vì thế, ông Dũng lưu ý EVN phải cân đối, không để lỗ treo, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí…), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá. “EVN cần tính toán phương án tài chính để tránh lỗ và treo lại các khoản lỗ này gây áp lực tăng giá trong năm 2021”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị EVN rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào. Số liệu sơ bộ cho thấy, giá dầu giảm kéo theo giá khí giảm sâu 46%. Trước đó, theo đề xuất của Bộ Công thương vào ngày 1/4, giá điện giảm 10% trong 3 tháng (từ 1/4/2020 đến 1/7/2020) với tổng mức hỗ trợ 11.000 tỷ đồng.
Về nguồn lực để đảm bảo chi ngân sách, Bộ Tài chính cho rằng, dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020) thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 100.000-110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.
Trường hợp dịch không kết thúc sớm, tăng trưởng GDP thấp, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm lớn hơn.
Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách.
Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).
Đối với cân đối ngân sách Trung ương, dự kiến dành 34,6 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách Trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020. Sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách Trung ương và địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB…), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất (dự kiến có thể vay với chi phí thấp khoảng 1 tỷ USD).
(Theo TheLEADER)