Thủ tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Khoảng 20 triệu người thuộc 8 nhóm đối tượng sẽ được nhận tiền mặt từ 250.000 – 1,8 triệu đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng.

Các tiểu thương ở chợ Long Biên chờ xét nghiệm Covid-19.
Các tiểu thương ở chợ Long Biên chờ xét nghiệm Covid-19.

Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Đây là quyết định mà khoảng 20 triệu người dân đang mong chờ để sớm nhận được hỗ trợ trong gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Theo đó, 8 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ.

Thứ nhất, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục kể từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện gồm đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết 42 của Chính phủ mới đây, nhóm này được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Thứ hai, hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/1/2020 hoặc tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020. Nhóm này được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Thứ ba, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Nghị quyết 42, nhóm này cũng được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Thứ tư, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Trong nhóm đối tượng này có những lao động tự do, tức làm một trong các công việc như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Với lao động tự do, UBND cấp xã sẽ rà soát, tổng hợp danh sách đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị, xã hội và công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 2 ngày làm việc.

Danh sách sau đó được gửi chủ tịch UBND cấp huyện thẩm định, trình chủ tịch UBND tỉnh để phê duyệt và cấp kinh phí hỗ trợ.

Thứ năm, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả một lần.

Thứ sáu, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần, theo Nghị quyết 42.

Thứ bảy, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4/2020. Nhóm này được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

Thứ tám, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Quyết định này nêu rõ điều kiện vay vốn gồm: đầu tiên, có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.

Thêm nữa, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc. Đồng thời không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Theo Nghị quyết 42, nhóm này được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc.

Cùng ngày, Văn phòng chính phủ cũng có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng đảm bảo thực hiện công khai minh bạch, kịp thời, chính xác các biện pháp hỗ trợ người dân, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị, không để lợi dụng trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. 

Theo kết quả của cuộc khảo sát vừa qua của Tổng cục thống kê, tính đến giữa tháng 4, Covid-19 đã khiến gần 5 triệu lao động ở Việt Nam phải dừng, giãn việc hoặc mất việc, do đó, khiến tỷ lệ người có việc làm quý I xuống mức thấp nhất 10 năm.

Lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng, lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi là những nhóm dễ bị tổn thương do dịch Covid-19. 

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất 5 năm. 

Còn Tổ chức lao động quốc tế (ILO) ước tính rằng đến cuối quý II năm nay, cuộc khủng hoảng có thể tác động tới việc làm của 4,6 – 10,3 triệu lao động ở Việt Nam thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.

(Theo chinhphu.vn)

>> Bill Gates tâm sự về đại dịch: “Ước gì tôi có thể nói chúng ta đã đi được nửa đường”

Next Post

Dịch Covid-19 sẽ biến đổi ngành hàng không mãi mãi?

T2 Th4 27 , 2020
Nhiều thói quen bay của hành khách cũng như cách quản lý của các hãng hàng không sẽ thay đổi vì đại dịch Covid-19.
Copyright All right reserved

Chuyên mục