Top 10 câu chuyện chứng khoán đáng chú ý trong tuần giao dịch 20 – 24/4/2020 nổi bật bởi sự phân hóa trên nhiều khía cạnh và những hiện tượng “tưởng vậy mà không phải vậy”.
1. Sự vào vai kịp thời của cổ phiếu VNM
Cả tuần trước đó thì SAB có vai trò lớn nhất trong việc hỗ trợ cho VN-Index và đến phiên cuối tuần qua thì đến lượt VNM tăng trần sau khi công bố mua lại 17,5 triệu cổ làm cổ phiếu quỹ, tương đương 1% vốn điều lệ (khoảng 1.799 tỷ đồng theo giá đóng cửa ngày).
Mức tăng 6.700 đồng của VNM đóng góp 3,35 điểm vào VN-Index, theo tính toán trên FiinTrade. Do đó, nếu không tính VNM thì VN-Index hôm nay thực ra đã giảm nhẹ chứ không tăng 2,75 điểm, 0,36% để đóng cửa ở mức 776,66 như hôm nay.
2. Phản ứng “thái quá” với tin từ Vinamilk
Thị trường đã khá hồi hởi với VNM mặc dù còn đợi sự phê duyệt chính thức của UBCK để số tiền mua cổ phiếu quỹ này có thể được giao dịch trên sàn. Điểm đáng lưu ý là việc mua cổ phiếu quỹ có thể qua khớp lệnh hoặc qua giao dịch thỏa thuận.
Do đó, những tác động đến thanh khoản và tâm lý thị trường như hôm nay có thể là phản ứng thái quá (overreact) nếu mai mốt số cổ phiếu đó được thực hiện phần lớn qua hình thức thỏa thuận.
3. Thận trọng với thông tin “mua cổ phiếu quỹ”
Nhìn rộng hơn về số liệu đăng ký và thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ trong thời gian vừa qua. Tổng giá trị dự kiến giao dịch đến ngày 24/4/2020) là 4,9 ngàn tỷ đồng. Xem Biểu đồ 1.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào đăng ký thì cũng thực hiện (vì nhiều lý do khác nhau và do không bắt buộc phải mua). Điều đáng lưu ý là một số doanh nghiệp đã bán ra cổ phiếu quỹ để hiện thực hóa lợi nhuận. Mặc dù là con số nhỏ nhưng để thấy rằng, việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ không phải luôn là tin tốt như sách giáo khoa chứng khoán chỉ ra về tác động của cổ phiếu quỹ đến thanh khoản và “đỡ giá” của cổ phiếu.
4. Nhà đầu tư cá nhân vẫn là nhân tố đỡ thị trường
Tuần qua, khối nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 209 tỷ đồng, đầu tư tổ chức trong nước mua ròng 10,6 tỷ đồng (trong đó tự doanh các CTCK vẫn tiếp tục bán ròng nhẹ 29,3 tỷ đồng).
Có sự đối ứng tương đối giữa nhà đầu tư cá nhân trong nước và bán ròng của tổ chức nước ngoài ở một số mã. Ví dụ trong tuần qua thì cá nhân mua ròng 252,8 tỷ đồng VNM thì nước ngoài bán ròng 293,4 tỷ đồng; hoặc nước ngoài bán STB 117 tỷ đồng thì cá nhân mua vào số tiền gần như tương ứng 119 tỷ đồng. Xem Bảng 1.
5. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 18 liên tiếp
Như thường lệ, phiên cuối tuần qua, khối ngoại vẫn bán ròng 385,2 tỷ đồng, đưa tổng số bán ròng trong tháng 4 đến hết tuần qua là 5.442 tỷ đồng và từ đầu năm đến nay lên 15.423 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất.
Tổng giá trị bán ròng của cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 23,2% trong tổng số bán ròng trong tháng 4 này. Trong khi đó, tháng 3 nước ngoài bán ròng chủ yếu nhóm cổ phiếu bất động sản và một số mã lớn như HPG và MSN.
6. Tác hại của việc khối ngoại thoái vốn ngân hàng
Khối ngoại đã bán mạnh cả VCB – cổ phiếu vốn là ưa thích của các tổ chức tài chính nước ngoài nhiều năm qua. Riêng tuần vừa rồi (tính 5 ngày giao dịch) thì nước ngoài đã bán ròng hơn 2,18 triệu cổ phiếu này với giá trị 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như STB (120 tỷ đồng), BID (85 tỷ đồng) và VPB (81 tỷ đồng) cũng nằm trong top các cổ phiếu được khối ngoại bán ròng trong tuần.
Việc bán ròng của khối ngoại là không bất ngờ trước bối cảnh vừa qua của ngành ngân hàng (chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, không trả cổ tức, rủi ro nợ xấu từ dịch bệnh) nhưng cùng với ngành bất động sản, hai ngành này hiện chiếm 42,6% tổng vốn hóa của cả thị trường (tính riêng VN-Index).
Do đó, nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng hai ngành này và sau đó sẽ có thể ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường nói chung trong thời gian tới.
7. Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn KHỎE
Ngành bất động sản với 123 doanh nghiệp đang niêm yết thì từ đầu năm giá cổ phiếu đã giảm 20,2% và khối ngoại bán ròng khá lớn 5,1 ngàn tỷ, chủ yếu là VIC (2,1 nghìn tỷ), VRE (688,5 tỷ) VHM (477,2 tỷ), NVL (467,5 tỷ), DXG (281,9 tỷ). Hiện đã có 36/123 công ty BĐS công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 (chiếm 5,4% vốn hóa của ngành này – tức là chủ yếu là các cổ phiếu nhỏ).
Theo đó, doanh thu thuần giảm 32,6% và lợi nhuận trước thuế giảm khá tương ứng ở mức 31,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong năm phân khúc BĐS mà FiinTrade theo dõi thì phân khúc BĐS dân cư gặp khó (doanh thu giảm 42% và lợi nhuận giảm 45,7%) còn nhóm BĐS khu công nghiệp vẫn có tăng trưởng lợi nhuận.
LNTT của 13 công ty BĐS khu công nghiệp tăng 10,9% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ dù doanh thu giảm nhẹ 0,7%. Xem Bảng 2.
Hiện đã có một số CTCK đã khuyến nghị xem xét các cổ phiếu nhóm ngành này và số liệu quý 1/2020 khá ủng hộ khuyến nghị này. Tuy nhiên việc lựa chọn cổ phiếu nào để có thể thực sự đón được sóng dịch chuyển từ Trung Quốc và có thể dịch chuyển thực chất theo dòng vốn FDI vào một số đơn vị hoặc khu vực đòi hỏi sự đánh giá kỹ lưỡng hơn.
8. Phân hóa kết quả kinh doanh quý 1/2020
Nhìn rộng hơn cả ba sàn chứng khoán, tính đến chiều 24/04/2020, đã có 521 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020, chiếm 30% tổng vốn hóa trên 3 sàn. Theo đó, khối ngân hàng (với 11 DN công bố) có lợi nhuận trước thuế tăng 9,1% so với cùng kỳ và dư nợ tăng nhẹ 2,6% so với đầu năm. Riêng khối doanh nghiệp phi ngân hàng thì doanh thu giảm 5,5% và lợi nhuận trước thuế giảm 44,4%.
Sự phân hóa đã thể hiện rõ sau khi số liệu được công bố nhiều hơn. Trong đó, hai ngành có mức suy giảm LNTT lớn nhất là Dầu khí và Du lịch & Giải trí với -520,3% và -219,3%. Đây cũng là hai ngành có mức lỗ lớn trong quý 1/2020.
9. Phân hóa quan điểm đầu tư
Tuần vừa qua là một tuần mà sự sôi động của TTCKVN giảm đáng kể vì thanh khoản giảm mạnh ở 2 phiên về cuối tuần nhưng đang có sự phân hóa và dịch chuyển về quan điểm đầu tư. Điều đó thể hiện ở sự giảm giá của cổ phiếu ngành ngân hàng nhưng các nhóm cổ phiếu có tính hàng tiêu dùng (consumerism) như SAB, VNM và MWG; và cả nhóm cổ phiếu điện có sự tăng giá khá tốt.
Các quan điểm đầu tư đó có lẽ được dẫn dắt bởi dữ liệu kết quả kinh doanh quý 1 và những phán đoán/ dự báo về triển vọng quý 2 này. Trong khi đó, tâm lý giao dịch khá tốt thể hiện ở giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân, bất chấp nước ngoài bán ròng nhất là cổ phiếu ngân hàng và một số blue chips cũng như việc tiếp tục bán ròng của tự doanh CTCK.
10. Phân hóa chỉ số cơ sở – phái sinh ở VN30
Tuần qua, chênh lệch (discount) giữa chỉ số phái sinh và chỉ số cơ sở của VN30 ở mức khá cao, tầm 30-50 điểm. Hợp đồng tương lai VN30F2005 đáo hạn vào tháng tới (21/5/2020) hiện ở mức chênh lệnh 27,95 điểm (discount) so với chỉ số cơ sở (VN30 Index). Về lý thuyết thì có thể hiểu là thị trường có kỳ vọng VN30 (thị trường cơ sở) sẽ đi xuống.
Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi mà các hợp đồng phái sinh được mua với chức năng là phòng vệ danh mục của các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức lớn. Tuy nhiên, lần này có thể có lý do của nó. Đó là việc tái cấu trúc danh mục của nhiều quỹ lớn, kể cả ETF và như dữ liệu ở trên đã chỉ ra về việc bán ròng mạnh của cổ phiếu ngân hàng.
Hiện tại có 9 cổ phiếu trong VN30 là cổ phiếu ngân hàng và chiếm 31,5% vốn hóa. Quan điểm của họ được thể hiện ở trạng thái Hợp đồng mở (Open Interest) của VN30F2005 hai hôm gần đây có xu hướng tăng mạnh. Xem Biểu đồ 6.
Khi thị trường bearish về VN30 thì tức là nhiều nhà đầu tư (tổ chức) có thể gia tăng hoạt động phòng vệ rủi ro bằng việc mua vào Hợp đồng mở này để có thể giảm thiểu rủi ro nếu VN30 giảm trong thời gian tới như phân tích ở trên. Thực tế, phiên cuối tuần qua, chỉ số VN30 tăng 1,05% tức là mạnh hơn VN-Index (0,36%).
(Theo FiinTrade)
>> Chứng khoán ngày 24/4: VN-Index chốt một tuần giảm 13 điểm
>> Chứng khoán ngày 20/4: SAB tiếp tục dẫn dắt giúp VN-Index tiến sát mốc 800 điểm