Đặc thù của thị trường chứng khoán là thị trường của đám đông, nhưng có một nghịch lý trên thị trường là đám đông thường không bao giờ chiến thắng.
Có thể trong một giai đoạn thị trường tăng hay bạn đang nắm giữ một số mã cổ phiếu mang lại lợi nhuận nên sẽ rất khó cảm nhận được điều đó, nhưng về dài hạn với những người từng lăn lộn trên thị trường chứng khoán nhiều năm, họ lại rất hiểu về quy luật “tàn khốc” và “khắc nghiệt” này.
Nhưng, vì sao lại như vậy?
1. Nhà đầu tư chỉ tập trung vào tìm kiếm cơ hội thay vì phát triển bản thân
Khi được hỏi về nên đầu tư cái gì và như thế nào. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng nói: Hãy đầu tư vào bản thân và đầu tư vào bản thân là sự đầu tư tốt nhất. Vì suy cho cùng, con người làm ra tiền bạc, chứ tiền bạc không làm ra con người.
Trên thị trường, người ta cứ mải mê đi tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng lại ít khi tìm kiếm các cơ hội để học tập và nâng cao kiến thức.
Chứng khoán là một thị trường “mua bán rủi ro”, nên rủi ro trên thị trường chứng khoán là điều không bao giờ tránh được, và chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt rủi ro cho mỗi quyết định đầu tư của mình bằng cách nâng cao năng lực của bản thân.
Nếu vì lý do gì mà tổng tài sản của bạn lớn hơn kiến thức của bạn thì sớm hay muộn nó cũng sẽ trở lại vị trí ban đầu vốn có của nó.
2. Nhìn bảng điện, nghe ngóng thông tin thay vì tập trung nghiên cứu
Mỗi quyết định mua bán trên thị trường đều chỉ tốn có chưa đầy 1 phút, nhập lệnh và enter, tuy nhiên đằng sau 1 phút đặt lệnh đó nó là cả một khối lượng công việc nghiên cứu khổng lồ.
Trong cuộc sống đời thường, nhiều khi người ta có thể cò kè, mặc cả từng đồng từng hào, nhưng lên thị trường hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng được ra quyết định một cách vội vàng.
80% thời gian của những nhà đầu tư cá nhân, những người lướt sóng và trading là theo dõi bảng điện, đọc tin và hóng hớt các diễn đàn, group chát… trong khi đó có khi chưa đến 20% thời gian là nghiên cứu về doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Nhiều người sợ mất cơ hội lao vào mua cổ phiếu, đến khi cổ phiếu bắt đầu giảm mới bắt đầu quay sang đọc báo cáo tài chính, và lục lại lịch sử doanh nghiệp…
Và với nhiều người, họ chỉ thực sự nghiên cứu khi cổ phiếu giảm và lỗ.
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ dành phần lớn thời gian vào nghiên cứu doanh nghiệp, khảo sát và thực tế doanh nghiệp, sản phẩm, đối thủ, thị trường… của công ty mà họ đầu tư, chứ không phải là ngồi hàng giờ trước bảng điện tử và “hy vọng” cổ phiếu tăng giá
3. Mua bán theo giá cả, không theo giá trị
Số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua bán cổ phiếu thường chỉ quan tâm giá cổ phiếu đang bao nhiêu? Và so sánh giữa cột giá của các mã để cho rằng cổ phiếu này đắt hơn hay rẻ hơn cổ phiếu kia.
Giá cao không phải là đắt và ngược lại giá thấp không phải là rẻ, nên nhiều người không hiểu được giá trị nội tại của doanh nghiệp, của “món hàng” mà họ đang mua bán dẫn đến việc bỏ qua các cổ phiếu giá trị cao (thị giá trông có vẻ đắt), và mua vào những cổ phiếu giá trị thấp (thị giá trông có vẻ rẻ), hoặc bán non những cổ phiếu mới tăng và mua vào những cổ phiếu trông có vẻ đã giảm khá nhiều.
4. Tâm lý chốt non
Nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường thường có tâm lý dễ giao động, khi mua vào cổ phiếu thì ai cũng kỳ vọng tăng, nhưng khi cổ phiếu tăng và lãi mới được một “mẩu” thì nhấp nhổm không yên vì tâm lý sợ mất cái đang có, nên dễ bán non cổ phiếu mới tăng.
(Nguồn: Sưu tầm)