>> Giá vàng ngày 16/4: Kim loại vàng chơi bập bênh cùng đồng bạc xanh
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tiếp tục giằng co mạnh trong vùng 1.700 – 1.740 USD/ounce. Theo Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích kỹ thuật của Kitco, xu hướng điều chỉnh giảm vẫn còn mạnh về mặt kỹ thuật sau đà tăng nóng lên mức cao nhất trong gần 8 năm vào đầu tuần. Chỉ số đồng USD tăng vững chắc hơn đang tạo áp lực lên kim loại quý.
Tính đến 11h40, giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đang được giao dịch ở mức 1.705 USD/oz, sát với ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 1.700.
Thị trường vàng tương lai giảm khi các báo cáo cho biết có sự trục trặc đáng kể trong việc kiểm soát gói kích thích của Bộ Tài chính Mỹ. Điều đó cũng khiến tăng trưởng thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào vùng âm nhưng làm tăng chỉ số đồng USD, ông Wyckoff nhận định.
Điểm dữ liệu quan trọng của Mỹ gần đây là báo cáo yêu cầu thất nghiệp vào thứ Năm tuần này đã lên tới 5,25 triệu đơn, cao hơn mức 5 triệu theo dự đoán của nhiều chuyên gia. Trong khoảng thời gian phong tỏa, nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận gần 23 triệu người mất việc làm.
Dữ liệu kinh tế của Mỹ trong vài tuần qua cho thấy mức độ thiệt hại nghiêm trọng của các doanh nghiệp Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 giảm 8,7%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1992.
Trong bối cảnh u ám do Covid-19 gây ra trên toàn cầu, thị trường vẫn có một số mặt tích cực trong tuần này như những dấu hiệu ban đầu ở Mỹ và châu Âu đang cho thấy đường cong về tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 mới bị san bằng.
Các thị trường bên ngoài quan trọng hôm qua cho thấy giá dầu thô giảm nhẹ và giao dịch quanh mức 19,65 USD/ thùng sau khi chạm mức thấp nhất 18,5 năm vào thứ Tư. Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang giao dịch khoảng 0,64%, giảm từ mức cao trước đó, một dấu hiệu đáng lo ngại của những ‘cơn gió ngược’ lớn đã và sẽ có khả năng tiếp tục ‘vùi dập’ nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng của giá vàng giao tháng 6 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc 1.800 USD/ounce. Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.700 USD/ounce.
Theo báo cáo mới nhất của Bank of America, mục tiêu về vàng trong năm nay của họ đã đạt được vào đầu tuần này khi giá được đẩy lên trên 1.750 USD/ounce, đạt mức cao nhất trong 7,5 năm qua. Do đó, ngân hàng này đã nâng dự báo cuối năm 2020 của họ lên mức cao nhất chưa từng có nếu vàng có thể vượt qua ngưỡng kháng cự 1.800 USD/ounce.
Các nhà phân tích của ngân hàng cảnh báo rằng mặc dù bắt đầu lóe lên các tín hiệu mua quá mức, họ vẫn lạc quan rằng giá sẽ tiếp tục tăng. Thị trường vàng đã tăng 15% trong năm nay.
“Không phải là chưa từng có tiền lệ để xem xét đà tăng lớn hơn”, báo cáo nêu rõ, giá vàng đã phục hồi 20% hoặc hơn 15 lần kể từ năm 1981 và 30% hoặc hơn trong bảy lần. Lần leo thang lớn nhất là vào giai đoạn 2006 – 2011 trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Nếu đạt được mức 1.947 USD vào cuối năm, thì vàng sẽ tăng 27% trong năm nay. Nếu tăng 31% thì cuối năm đạt 2.000 USD/ounce. Hay nếu đạt mức tăng 41% như năm 2006 thì giá vàng sẽ đạt 2.150 USD/ounce vào cuối năm 2020”.
Các nhà phân tích của ngân hàng này cho biết, nếu thị trường xuất hiện áp lực bán nào đó và kéo giá xuống khoảng kỹ thuật 1.680 – 1.700 USD/ounce, thì đây là cơ hội để mua vào.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 9h sáng 15/4, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá ở mức 47,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,25 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều so với cuối phiên hôm qua.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 47,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,2 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng chiều mua vào và 100.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)