Giới đầu tư đang lo ngại rằng một ngày nào đó Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ tuyên bố áp dụng lãi suất âm. Điều này đang khiến đồng USD chịu áp lực.
>> Tỷ giá ngày 12/5: Đồng USD trở lại vị trí ‘ưu tiên số 1’
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng nhà nước công bố hôm nay (13/5) ở mức 23.244 VND/USD, giảm 1 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 10h sáng nay, giá mua vào USD của Sacombank đang đứng đầu với 23.303 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng HDBank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.430 VND/USD.
So với sáng qua, Sacombank đã điều chỉnh giá USD giảm nhiều nhất với 53/38 đồng (bán ra). ACB và Techcombank giảm lần lượt 35 đồng và 33 đồng ở cả hai chiều. Vietcombank, HDBank giảm 30 đồng. VPBank giảm 20/30 đồng. Vietinbank giảm 28 đồng. BIDV và VIB giảm 20 đồng. MB giảm 15 đồng.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì năm đồng được điều chỉnh giảm so với sáng qua, trong đó AUD giảm mạnh nhất với 1,44%. Còn trong năm đồng tăng, THB dẫn đầu khi tăng 0,24%.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường ngoại tệ thế giới, chỉ số đồng USD lại mất mốc 100 điểm vào sáng nay và giảm 0,24% vào thứ Ba. Giới đầu tư đang lo ngại rằng một ngày nào đó Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ tuyên bố áp dụng lãi suất âm.
Đồng đô la New Zealand đã giảm xuống mức thấp nhất trong tuần này sau khi ngân hàng trung ương nước này mở rộng chương trình mua tài sản và cho thấy sự sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo bao gồm cả áp lãi suất âm.
Cặp USD/JPY hôm qua đã giảm 0,5% xuống mức 107,13. Đồng Euro tăng 0,38% lên mức 1,085 USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua một lần nữa kêu gọi Fed áp dụng lãi suất âm. Đây là một chủ đề nóng trên thị trường tài chính kể từ tuần trước khi các công cụ thị trường tiền tệ của Mỹ bắt đầu định giá cả yếu tố tiềm năng lãi suất âm.
Dữ liệu kinh tế đáng chú ý mới đây là chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 giảm 0,8%, mức lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái, làm gia tăng nguy cơ giảm phát khi nền kinh tế chìm sâu vào suy thoái và thúc đẩy cuộc tranh luận về các phản ứng chính sách trên thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng hãy nhìn vào quá khứ, Fed cuối cùng đã thực hiện những gì Trump muốn với tần suất khá thường xuyên.
Cho đến nay, các thành viên của Fed đã nói rằng họ không thấy cần phải giảm lãi suất dưới 0% và một bộ phận trên thị trường mong đợi Chủ tịch Powell sẽ làm theo kịch bản đó.
Cố vấn bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Anthony Fauci hôm qua cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng việc dỡ bỏ các hạn chế sớm có thể dẫn đến làn sóng Covid-19 mới.
Những bình luận của ông Fauci đã phủ bỏng lên sự lạc quan trên thị trường tài chính trong những tuần gần đây rằng thời kỳ tồi tệ nhất của dịch bệnh đã qua và nền kinh tế chỉ có thể trở nên tốt hơn.