Giá vàng SJC sáng nay lên 52,65 triệu đồng/ lượng, tăng tới 1,2 triệu đồng ở chiều bán ra so với chiều qua. Giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.840 USD/ounce.
>> Giá vàng ngày 21/7: Tiếp tục phá vỡ ngưỡng kháng cự mới
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh và có lúc dựng thẳng đứng trên biểu đồ kỹ thuật vào đầu phiên Mỹ đêm qua. Ngưỡng kháng cự mới nhất bị phá vỡ là 1.840 USD/ounce, tăng hơn 25 USD so với ngày đầu tuần và lần nữa lập đỉnh mới cho 9 năm. Còn giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã tăng 23,6 USD/ounce lên mức 1.841,1 USD/ounce.
Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích kỹ thuật của Kitco, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh một cách ổn định vào thị trường vàng. Thêm nữa, biểu đồ kỹ thuật vô cùng tích cực. Do đó, ông dự báo giá vàng có khả năng vẫn được đẩy lên cao hơn trong thời gian tới.
Kim loại quý còn được hưởng lợi từ việc nhu cầu tiêu dùng tốt hơn đến từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới nhờ nền kinh tế nước này đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu tăng vào hôm qua. Các chỉ số chính ở thị trường Mỹ lại có phiên tăng giảm đan xen gồm Dow Jones tăng 0,6%; S&P 500 tăng 0,2%; Nasdaq Composite giảm 0,8%.
Giới đầu tư ở Mỹ đang tập trung theo dõi quá trình thảo luận về gói giải cứu Covid-19 tiếp theo. Cuối tháng 7 này, khoản hỗ trợ 600 USD/tuần cho người thất nghiệp vì ảnh hưởng của đại dịch sẽ hết hạn và các nhà lập pháp đang nỗ lực để thông qua một dự luật mới trước hạn chót này.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ quý II mới công bố vừa qua đã tốt hơn dự báo của giới phân tích.
Tâm lý nhà đầu tư còn được củng cố bởi tin tích cực rằng ba công ty dược phẩm lớn đã có các bước tiến mới trong nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 và có thể ra mắt vào cuối tháng này.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận chung về một gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỉ euro để giúp các quốc gia thành viên đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên khối EU phát hành trái phiếu chung. Điều này khiến khu vực này trở nên gắn kết hơn trong những năm tới sau vài năm hỗn loạn gần đây khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Các thị trường bên ngoài quan trọng khác cho thấy giá dầu thô Nymex đạt đỉnh 4,5 tháng và hiện giao dịch quanh mức 42 USD/ thùng. Còn chỉ số đồng USD đang ở mức thấp nhất trong 4 tháng.
Trong một báo cáo ngắn vào thứ ba, Capital Economics đã nâng dự báo về giá vàng đến cuối năm nay từ 1.600 USD/ounce lên 1.900 USD/ounce, tăng gần 19%.
Cùng với lợi suất trái phiếu thấp hơn, ông Jame O’Rourke, Chuyên gia kinh tế hàng hóa của Capital Economics cho rằng sẽ thấy đồng bạc xanh của Mỹ yếu hơn trong nửa cuối năm 2020. “Điều này sẽ tạo ra một cơn lốc mạnh khác cho vàng”.
Còn theo Hans Albrecht, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Quỹ Horizons ETF, thị trường chứng khoán đang tăng điểm nhờ số tiền khổng lồ mà các ngân hàng trung ương bơm vào. Tuy nhiên, đồng thời, các nhà đầu tư cũng gia tăng nắm giữ vàng khi họ tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa lạm phát cao – kết quả của các gói kích thích này.
Ông cho rằng thị trường vàng và chứng khoán phát triển song song nhau trong vài tháng qua khi chúng được thúc đẩy cao hơn bởi cùng một yếu tố là các biện pháp kích thích và lượng tiền khổng lồ chưa từng có trong hệ thống tài chính. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra khi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục làm tăng thanh khoản cho thị trường.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng ngày 22/7, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 51,5 – 52,65 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 450.000 – 1.500.000 đồng so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 51,8 – 52,8 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 600.000 – 400.000 đồng so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)