Trước thực trạng gói hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh lần 1 còn nhiều hạn chế, các chuyên gia kỳ vọng, gói hỗ trợ Covid-19 lần 2 sẽ đủ lớn, đủ nhanh và hiệu quả để tới được với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
>> Các gói hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay rất tốt nhưng chưa đủ
Mở rộng đối tượng thụ hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là cần thiết
Bộ Lao động thương binh và xã hội mới đây đã đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần hai cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Đối tượng dự kiến được hưởng thụ chính sách lần này rộng hơn lần một.
Theo đó, Bộ Lao động thương binh và xã hội đề nghị tập trung các chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm. Đối tượng nhận hỗ trợ là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Người lao động tại khu vực nông thôn được hỗ trợ mức vay vốn tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, đối với cơ sở kinh doanh là hai tỷ đồng, người lao động là 100 triệu đồng.
Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021; lãi suất cho vay 3,96%/năm; cơ quan cho vay là Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bộ Lao động thương binh và xã hội ước tính hỗ trợ cho 10 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh (mức vay bình quân 1 tỷ đồng/cơ sở) và 100 nghìn lao động (mức vay bình quân khoảng 50 triệu đồng/lao động), kinh phí 15 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, người lao động đang phải thuê nhà, nuôi con nhỏ dưới sáu tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 1.000.000 đồng/người (hộ)/tháng và (hoặc) 1.000.000 đồng/trẻ em dưới sáu tuổi. Hỗ trợ tối đa ba tháng; thời gian áp dụng từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020.
Theo tính toán của Bộ Lao động thương binh và xã hội, số lao động thuê nhà gặp khó khăn là một triệu người và khoảng 200 nghìn trẻ em dưới sáu tuổi; nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ ngân sách địa phương. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng. Tổng kinh phí của gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động lần 2 này lên tới 18.600 tỉ đồng.
Đánh giá về đề xuất của Bộ Lao động thương binh và xã hội trong việc hỗ trợ lần hai cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch, trong đó, đối tượng nhận hỗ trợ được ưu tiên là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là việc làm rất đúng đắn và cần thiết.
Theo ông Hiếu, bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, làm bệ đỡ, kéo nền kinh tế đi lên, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ cũng rất quan trọng. Hiện nay, 97% các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sức chống chịu của các doanh nghiệp này rất hạn chế trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên tập trung vào việc miễn giảm thuế phí, cho vay với lãi xuất ưu đãi để giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để duy trì sự sống. Nếu không có chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này, nền kinh tế sẽ mất đi một số lượng lớn các doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, ông Hiếu nhấn mạnh.
Gói hỗ trợ lần 2 cần nhanh và hiệu quả hơn
Trước đó, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng giúp người lao động và doanh nghiệp đối phó với đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, gói hỗ trợ này vẫn chưa mang lại hiệu quả “cứu trợ” một cách tốt nhất đến các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh.
Thông tin từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, tính đến hết tháng 7/2020, các địa phương mới chỉ phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỉ đồng.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước trung ương đã thực hiện giải ngân gần 12.000 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh, gồm: trên 11,5 triệu người là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí là trên 11,5 tỉ đồng; đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ trên 402.000 người với kinh phí là trên 403 tỉ đồng.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh lần hai cần được triển khai một cách nhanh, hiệu quả, nhằm mạng lại lợi ích thiết thực hơn.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, cú sốc Covid-19 thứ hai lan rộng đã tiếp tục gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vốn đã chịu tác động nặng nề do dịch bệnh từ đầu năm.
Thậm chí, tác động của đợt dịch lần này được dự báo có thể gây tổn thất lớn hơn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động, phá sản. Số lượng người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng nhanh chóng.
Dự báo từ nay đến cuối năm, đại dịch sẽ còn kéo dài, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn phải sống chung với dịch bệnh. Mặt khác, do tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nên dù dịch bệnh trong nước có thể kiểm soát tốt thì với một đất nước có nền kinh tế mở như Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch cũng sẽ chưa thể trở lại bình thường.
Trong bối cảnh này, theo ông Quốc Anh, việc Chính phủ xem xét, ban hành thêm các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, các cơ quan nhà nước cần tính toán, cân nhắc thật kỹ các đối tượng cần hỗ trợ cho phù hợp.
Mặt khác, rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ lần một, trong đợt thực hiện lần hai này, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần sớm được thực hiện, nhanh chóng đi vào cuộc sống giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay cho rằng họ chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ do những quy định khó khăn. Do đó, khi xây dựng chính sách hỗ trợ lần hai, Chính phủ, các bộ, ngành cần tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động, dựa trên thực tế khó khăn của doanh nghiệp để xây dựng chính sách, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đến đúng đối tượng hơn.
Đặc biệt, theo ông Doanh, sau dịch bệnh, một số lĩnh vực sẽ có cơ hội lớn để phát triển như chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, tự động hóa. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này để tạo tính lan tỏa, tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục và phát triển trong và sau dịch bệnh.
(Theo TheLEADER)