G7 mới đây thông báo cam kết sẽ huy động 600 tỷ USD trong 5 năm tới nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển nhằm đối trọng với Trung Quốc ở sáng kiến Vành đai và con đường vốn đang vấp phải nhiều vấn đề.
>> Kinh tế toàn cầu chịu tác động ra sao khi Mỹ tăng lãi suất?
>> Sai lầm của các ngân hàng trung ương và sự trả giá của các nền kinh tế
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở Schloss Elmau, nhóm này thông báo chính thức khởi động chương trình Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII), nhằm huy động hàng trăm tỷ USD để cung cấp tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, theo thông tin từ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ đặt mục tiêu huy động 200 tỷ USD cho PGII trong 5 năm tới thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, tài trợ của chính phủ, và tận dụng các khoản đầu tư của khu vực tư nhân.
Cùng với các đối tác thuộc G7, nhóm này đặt mục tiêu huy động 600 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trên toàn cầu vào năm 2027, và ông cho biết đây sẽ chỉ là sự khởi đầu. Theo đó, G7 sẽ tìm cách huy động thêm nguồn vốn từ những đối tác cùng chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, hay các quỹ tài sản.
Đây là một trong những điểm khác biệt và nhằm đối trọng với Trung Quốc ở sáng kiến Vành đai và con đường khi nguồn vốn chủ yếu lấy từ ngân sách.
“Tôi muốn nói rõ. Đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đây là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”, Reuters dẫn lời ông Biden.
Thông tin từ Nhà Trắng cho biết, PGII sẽ hợp tác với các nước có thu nhập thấp và trung bình để tài trợ cho cơ sở hạ tầng thuộc những lĩnh vực chính, nhằm thúc đẩy bốn ưu tiên quan trọng đối với tăng trưởng bền vững, bao trùm, bao gồm an ninh khí hậu và năng lượng; kết nối kỹ thuật số; y tế và an ninh sức khỏe; bình đẳng giới và công bằng.
G7 đang hợp tác với Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam để hướng tới các quan hệ đối tác sẽ cung cấp tài chính hỗ trợ quá trình khử cacbon trong nền kinh tế, và hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn.
“Trong nỗ lực chung với các đối tác G7, chúng tôi đang làm việc hướng tới các đối tác chuyển dịch năng lượng, bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam”, Nikkei dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Bên cạnh đó, PGII cũng sẽ thúc đẩy thực hiện các dự án kịp thời với sự tham vấn và hợp tác cùng các nước sở tại và các bên liên quan tại địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu ưu tiên, cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, PGII sẽ hỗ trợ cải cách chính sách và thể chế – chìa khóa để tạo điều kiện và năng lực cho các dự án tốt và đạt kết quả lâu dài, cũng như thu hút nguồn tài chính tư nhân.
Đáng chú ý, Nhà Trắng cho biết hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ ở nước ngoài, từ đó tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế ở trong nước.
PGII có tiền thân là sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better World) vốn được khởi động vào năm ngoái nhưng đã thất bại, một phần vì không đủ đối tác G7 đóng góp tài chính, theo thông tin từ Bloomberg. Các quan chức châu Âu thì cho rằng một phần nguyên nhân khác đến từ việc chính quyền Biden không đủ khả năng thuyết phục quốc hội thông qua chương trình kinh tế đầy tham vọng này.
Thời gian qua, sáng kiến Vành đai và con đường do Trung Quốc khởi xướng vấp phải không ít vấn đề, khi nhiều dự án không đạt hiệu quả như dự tính, và không ít quốc gia phải đối mặt với gánh nặng nợ.
PGII được thiết kế với kỳ vọng sẽ mang đến sự lựa chọn tốt hơn cho các quốc gia trong đầu tư cơ sở hạ tầng, khi “duy trì các tiêu chuẩn cao về đầu tư và mua sắm, nhằm chống lại việc hối lộ và các hình thức tham nhũng khác, giải quyết tốt hơn các rủi ro khí hậu và rủi ro suy thoái môi trường, thúc đẩy chuyển giao kỹ năng, tạo việc làm tốt, giảm rủi ro cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, cũng như thúc đẩy lợi ích kinh tế và xã hội về dài hạn”.
Biên bản ghi nhớ cũng cho biết: “PGII không chỉ dừng lại ở tài chính, mà còn là kỹ thuật. Việc cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại các nước có thu nhập thấp và trung bình bao gồm cả việc thiết lập và cải thiện khuôn khổ thể chế và chính sách, môi trường pháp lý và năng lực con người cần thiết để đảm bảo cung cấp dịch vụ bền vững cho cộng đồng”.
Tuy vậy, nhiều thách thức sẽ xuất hiện, một phần bởi G7 đang ưu tiên các vấn đề khác như kiềm chế lạm phát, hay đối phó với những ảnh hưởng từ cuộc chiến đang kéo dài tại Ukraine.
Bài báo nghiên cứu mới đây từ Chatham House nhận định căng thẳng quân sự tại Ukraine vào đầu năm nay và việc phục hồi kinh tế không chắc chắn từ Covid-19 có khả năng làm suy yếu tiến trình của PGII.
Theo đó, thay đổi ưu tiên giữa các quốc gia tài trợ có thể thay đổi chính sách phát triển theo hướng song phương và phân mảnh G7 với các quốc gia tiếp nhận.
Theo TheLEADER