Tỷ giá ngoại tệ 19/3: Rủi ro càng lớn, USD càng tăng

Tỷ giá ngoại tệ 19/3: Trong nước

Tỷ giá ngoại tệ 19/3 do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (19/3) ở mức 23.242 VND/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua.

Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu (*), tính đến 12h sáng nay, giá mua vào USD của Sacombank đang đứng đầu với 23.313 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng VPBank niêm yết ở mức thấp nhất 23.420 VND/USD.

So với sáng 12/3, MB đã điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 115 đồng ở cả 2 chiều. Techcombank, Sacombank, Vietinbank điều chỉnh tăng lần lượt 104 đồng, 90 đồng, 80 đồng. Vietcombank, BIDV đều tăng 85 đồng ở cả 2 chiều. Riêng ACB, VIB đều tăng 90 đồng ở chiều mua và 100 đồng ở chiều bán. VPBank tăng 70 đồng (mua vào) và 80 đồng (bán ra). HDBank tăng 100 (mua vào) và 110 đồng (bán ra).    

Giá USD trong nước ngày 19/3/2020

Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì 8 đồng được điều chỉnh giảm, trong đó AUD giảm mạnh nhất với gần 8%, theo sau là GBP giảm gần 5%.  Riêng HKD và USD đều tăng 0,37%.

Tỷ giá ngoại tệ 19/3: Thế giới

Trên thị trường thế giới, tiếp tục áp đảo các đồng tiền khác, chỉ số USD hôm nay đã vượt ngưỡng 101 điểm, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Chỉ số này đã duy trì đà tăng liên tục trong 10 ngày qua với biên độ gần 6 điểm. Đặc biệt, đây là khoảng thời gian ngắn ngủi mà Fed đã 2 lần quyết định hạ lãi suất.

Trái với quy luật thông thường, Fed hạ lãi suất thì USD lại tăng giá thay vì mất giá như thường thấy. Giới đầu tư đổ xô bán các loại tài sản khác, kể cả vàng – nơi trú ẩn an toàn truyền thống, và quay về mua đồng bạc xanh trong bối cảnh bất ổn trên thị trường tài chính vẫn chưa dứt và sự bất định ngày càng gia tăng.

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tuy Fed hạ lãi suất xuống 0% nhưng so với châu Âu thì lãi suất USD vẫn còn cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá.

Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đang đổ lỗi cho đồng bạc xanh rằng sự tăng giá của nó đang làm trầm trọng và gia tăng các đợt bán tháo trên các thị trường tài sản toàn cầu. Điều này cho thấy một dấu hiệu tuyệt vọng trên toàn cầu về thanh khoản. Tiền mặt hiện là ‘vua’.

Ngoài ra, giới đầu tư còn lo ngại, khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn do sự tăng giá của đồng USD, từ đó góp phần vào việc bán cổ phiếu và các tài sản khác trên diện rộng, ngay cả các thiên đường an toàn truyền thống như vàng hay trái phiếu kho bạc Mỹ cũng chịu áp lực. Điều đó lần lượt tăng thêm nhu cầu về USD, tạo ra một vòng lặp luẩn quẩn.

Zach Pandl, nhà phân tích tại Goldman Sachs, vừa qua đã lưu ý về một vài điều đằng sau một số nhu cầu về USD toàn cầu rằng các nhà đầu tư quốc tế có xu hướng nắm giữ nhiều tài sản Mỹ hơn nhà đầu tư Mỹ nắm giữ tài sản quốc tế. Sự mất cân bằng này có thể tác động đến thị trường tiền tệ.

Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư không phải người Mỹ sở hữu cổ phiếu của Mỹ nhằm phòng ngừa rủi ro ngoại hối. Khi vốn hóa thị trường chứng khoán sụt giảm, hàng rào này sẽ trở nên ‘quá khổ’ và làm giảm giá trị danh nghĩa của các hàng rào xuống, do đó, tạo ra các giao dịch mua USD.

Ông Pandl cho rằng, dường như những dòng chảy này có xu hướng lớn hơn bất kỳ dòng chảy bán USD nào của giới đầu tư Mỹ.

Ngoài ra, đồng USD biểu thị phần nhiều các giao dịch hàng hóa toàn cầu hay cho vay xuyên biên giới cho các thị trường mới nổi. Do đó, sự tăng giá đồng USD góp phần vào làn sóng thanh lý bắt buộc và ‘tàn sát’ trên thị trường tài chính.

Cặp tỷ giá GBP/USD giảm xuống gần mức thấp nhất 35 năm

Ở diễn biến khác, cặp tỷ giá GBP/USD giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ năm 1985, thấp hơn cả mức xác lập sau cuộc trưng cầu dân về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Trong khi đó, cặp tỷ giá AUD/USD đang gần đáy 17 năm.

Cặp tỷ giá GBP/USD đang được giao dịch ở mức thấp nhất gần 35 năm qua. Xem biểu đồ trực tuyến tại đây.

Giá đồng Euro sáng nay đã kìm hãm mức giảm so với đồng USD sau khi ECB quyết định tung ra chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ Euro đến hết năm 2020, thông qua Chương trình Thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) mới.

Quyết định của ECB nêu rõ, điều này nhằm khởi động chương trình thu mua tài sản tạm thời đối với chứng khoán khu vực công và tư nhằm ứng phó với các rủi ro nghiêm trọng đe dọa cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng Khu sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng lợi nhuận mà đồng Euro mang lại sẽ là ngắn hạn, trừ khi tốc độ gia tăng số lượng ca nhiễm Covid-19 tại đây chậm lại thì không có hành động nào của ngân hàng trung ương có thể là đủ. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay rủi ro càng lên cao thì nhu cầu mua USD càng tăng.

>> BIỂU ĐỒ TRỰC TUYẾN: VÀNG, NGOẠI TỆ, CHỨNG KHOÁN, TIỀN ĐIỆN TỬ

>> Tỷ giá ngày 13/3: ECB duy trì lãi suất âm, EUR mất giá

Next Post

Giá vàng ngày 19/3: U ám nhưng hãy chờ tái diễn kịch bản 2008

T5 Th3 19 , 2020
Giá vàng vẫn đang trong xu hướng giảm, nhưng hãy nhớ lại năm 2008, giá vàng khi đã mất 27,5% cùng với sự sụt giảm của giá cổ phiếu, nhưng chỉ 5 tháng sau, giá đã bắt đầu tăng vọt lên trên 1.900 USD/ounce.
Copyright All right reserved

Chuyên mục