Tỷ giá ngày 13/3: ECB duy trì lãi suất âm, EUR mất giá

Tỷ giá ngày 13/3: Trong nước

Đô la Mỹ – USD

Tỷ giá trung tâm ngày 13/3 do NHNN công bố ở mức 23.212 VND/USD, giảm 15 đồng so với hôm qua.

Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu (*), tính đến 12h sáng nay, giá mua vào USD của ACB, VPBank đang đứng đầu với 23.160 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng VIB niêm yết ở mức thấp nhất 23.130 VND/USD.

So với sáng ngày 12/3, Vietcombank đã điều chỉnh tăng giá USD lên 45 đồng ở 2 chiều. Vietinbank, BIDV, Sacombank, Techcombank, ACB, MB tăng lần lượt 36 đồng; 35 đồng, 33 đồng, 31 đồng, 30 đồng và 20 đồng. HDBank và VIB cùng tăng 10 đồng ở cả 2 chiều. Riêng VPBank điều chỉnh tăng 40 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra.

Ngoại tệ khác

Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì 8 đồng được điều chỉnh giảm, trong đó AUD, GBP giảm mạnh nhất lần lượt với 2,5% và 2,09%. Riêng HKD tăng 0,12% và USD tăng 0,19%.

Biểu đồ biến động tỷ giá 10 ngoại tệ chính trong tuần từ 9-13/3. Nguồn: Vietcombank.

Tỷ giá ngày 13/3: Thế giới

USD tăng

Trên thị trường thế giới, chỉ số đồng USD hôm qua đã tăng 1% lên 97,37 điểm. Điều này là nhờ những chính sách hỗ trợ kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và nỗ lực của Fed. Cục Dữ trữ liên bang Mỹ đã bơm một lượng tiền lớn vào thị trường trái phiếu giữa lúc phố Wall đang hoảng loạn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Theo tuyên bố của Fed, ngân hàng trung ương này sẽ chi 1.500 USD USD để mua các tài sản tài chính theo hình thức thỏa thuận mua lại (repo). Tài sản mua lại bao gồm trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác từ các ngân hàng và doanh nghiệp với thỏa thuận bán lại có lãi vào ngày hôm sau hoặc sau đó.

Sự can thiệp của Fed vào thị trường tài chính cho thấy thay đổi đáng kể trong kế hoạch của ngân hàng này. Fed không muốn lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử năm 2008.

EUR giảm

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 cũng quyết định tương tự. ECB sẽ tăng cường mua trái phiếu và tung các khoản cho vay giá rẻ cho các ngân hàng thương mại nhằm xoa dịu tác động của Covid-19 tại khu vực đồng tiền chung.

Nhưng ECB lại khiến thị trường ‘thất vọng’ với quyết định giữ nguyên lãi suất và duy trì chính sách lãi suất âm. Động thái này khiến đồng EUR giảm mạnh.

Chính sách tiền tệ của ECB và FED đưa ra hôm qua khá giống nhau nhưng kết quả tác động lên đồng tiền của 2 bên lại trái ngược. Tỷ giá EUR/USD giảm xuống phiên thứ tư liên tiếp, còn 1,1105.

Biểu đồ diễn biến cặp tỷ giá EUR/USD tuần qua.

Ngân hàng JP Morgan vừa điều chỉnh dự báo GDP của Mỹ quý I/2020, sẽ giảm 2% và tiếp tục giảm 3% trong quý II/2020. Ngân hàng này cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Ở một diễn biến khác, sáng 13/3, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẵn sàng bơm thêm 500 tỷ yên (4,8 tỷ USD) vào thị trường tài chính. Nhưng động thái này của BOJ dường như ít tác động lên đồng JPY.

(*) Đây là các ngân hàng có quy mô vốn hoặc số chi nhánh/phòng giao dịch nhiều nhất.

Next Post

Dự báo giá vàng tuần 16-20/3: Giành lại vị thế

CN Th3 15 , 2020
Dự báo giá vàng tuần 16-20/3, giới chuyên gia bị phân cực, giới nghiệp dư nghiêng về phía lạc quan. Cung vàng sẽ tăng từ phía các ngân hàng trung ương.
Copyright All right reserved

Chuyên mục