Sự sụt giảm mạnh của giá dầu đã ‘dìm’ các loại tiền tệ liên kết chặt với hàng hóa xuống đáy trong nhiều ngày so với đồng USD.
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng nhà nước công bố hôm nay (24/4) ở mức 23.272 VND/USD, tăng 11 đồng so với hôm qua và tăng 31 đồng trong tuần này.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h sáng nay, giá mua vào USD của Sacombank, ACB, HDBank đang đứng đầu với 23.420 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng VPBank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.560 VND/USD.
So với cuối tuần trước, Vietcombank đã điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 80 đồng ở cả hai chiều. MB, HDBank và BIDV theo sau tăng lần lượt 75 đồng, 70 đồng và 65 đồng. Sacombank tăng 75/74 đồng (bán ra). ACB tăng 60/50 đồng. Techcombank tăng 57 đồng ở cả hai chiều. Vietinbank tăng 51 đồng. VIB tăng 40 đồng. VPBank tăng 30 đồng.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì 8 đồng được điều chỉnh tăng so với cuối tuần trước trong đó JPY lên nhiều nhất với 1,33%; AUD theo sau tăng 0,88%. Riêng GBP giảm 0,4% và CHF giảm 0,25%.
Tỷ giá quốc tế
Trên thị trường thế giới, chỉ số đồng USD đang hướng tới ghi nhận tuần tăng tốt nhất trong tháng 4. Sự sụt giảm mạnh của giá dầu đã ‘dìm’ các loại tiền tệ liên kết chặt với hàng hóa xuống đáy trong nhiều ngày so với đồng bạc xanh.
Trong khi đó, đồng Euro rớt đáy một tháng ở mức 1,0756 USD, giảm 0,36% vào thứ Năm sau khi Liên minh châu Âu đồng ý xây dựng quỹ phục hồi kinh tế hàng nghìn tỷ euro sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên những chi tiết về quy mô và hình thái gây tranh cãi của gói cứu trợ được gác lại tới mùa Hè.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế khu vực sử dụng đồng chung tụt giảm từ 5% đến 15%.
GDP năm 2020 của EU được dự báo sẽ giảm 5,4%, và ghi nhận mức tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đi vào sử dụng năm 1999. Tuy nhiên, mức này của ECB vẫn lạc quan hơn so với dự báo giảm tới 7,5% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây.
Theo Juan Perez, Nhà giao dịch tiền tệ cao tại Tempus Inc tại Washington, “Sự không chắc chắn liên quan đến gói giải cứu này đang đè nặng lên đồng Euro”.
Chris Westin, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Công ty môi giới Pepperstone tại Melbourne nhận định, “Chúng tôi không biết nó sẽ được tài trợ như thế nào nhưng đây không phải là ‘liều thuốc’ để ngăn chặn sự co thắt 15% sắp xảy ra trong GDP của EU”.
Dữ liệu kinh tế đáng chú ý được công bố hôm qua cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) tháng 4 của khu vực đồng tiền chung Euro đạt 13,5 điểm và thấp hơn mức 29,7 điểm vào tháng 3.
Con số mới này thấp hơn kỳ vọng của thị trường và dưới 50 điểm cho thấy sự co lại của nền kinh tế khu vực này. Trong khi đó, dữ liệu PMI của Mỹ công bố hôm qua cũng cho thấy kết quả ảm đạm, PMI dịch vụ đạt 27 điểm và PMI sản xuất đạt 36,9 điểm vào tháng 4.
Thông tin trên giúp nhà giao dịch nhìn nhận rõ hơn mức độ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này khiến vai trò đồng tiền an toàn và được dữ trự lớn nhất trên thế giới của đồng USD trở nên nổi bật.
Nhà phân tích Imre Speizer của Westpac FX nhận định, “các dữ liệu kinh tế thật khủng khiếp. Tôi chắc chắn thị trường đã bị sốc mặc dù họ đều biết rằng nó sẽ xảy ra và điều đó khiến mức độ chấp nhận rủi ro trên các thị trường giảm xuống”.
Hạ viện Mỹ hôm qua đã thông qua gói cứu trợ 484 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện, nâng tổng ngân sách ứng phó Covid-19 lên gần 3.000 tỷ USD. Dự luật về gói cứu trợ mới sẽ được gửi tới Nhà Trắng và dự kiến sớm được Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt thành luật.
(Theo dailyfx, Vietcombank)