Nhiều thói quen bay của hành khách cũng như cách quản lý của các hãng hàng không sẽ thay đổi vì đại dịch Covid-19.
>> Bill Gates tâm sự về đại dịch: “Ước gì tôi có thể nói chúng ta đã đi được nửa đường”
Một sự thay đổi đáng kể trong ngành hàng không đang diễn ra khi các hãng trên thế giới đánh giá lại hoạt động và định hình kinh doanh hậu khủng hoảng do Covid-19 gây ra.
Các sân bay trở nên vắng lặng hơn, hình ảnh đeo khẩu trang cùng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đã cho thấy sự thay đổi hành vi của hành khách lẫn nhân viên. Những điều chỉnh giảm giãn cách, các lệnh cấm bay dần được nới lỏng đang tác động đến mọi chuyển động của ngành hàng không.
Trong bức thư gửi nhân viên tuần trước, ông Ed Bastian, CEO Delta Air Lines, viết: “Chúng ta nên chuẩn bị cho sự phục hồi chậm chạp và khó khăn ngay cả khi vi rút được kiểm soát. Ước tính thời gian phục hồi có thể kéo dài 2 – 3 năm”.
Trong vài tháng, hàng thập kỷ bùng nổ của ngành hàng không quay về vạch xuất phát vì Covid-19. Con người đi lại dễ dàng hơn trên khắp hành tinh, hàng triệu việc làm được tạo ra nhưng tất cả đã dừng lại kể từ khi dịch Covid-19 lây lan trên khắp các quốc gia. Theo công ty phân tích Cirium, công suất các hãng đã giảm tới hơn 70% kể từ tháng 1.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), 40% du khách cho biết sẽ đợi ít nhất sáu tháng sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 mới bay trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ cần một khoảng thời gian nữa trước khi mọi người sẵn sàng xách va li lên và cảnh tượng chen chúc diễn ra như trước đại dịch.
Các hãng hàng không đã bắt đầu đưa ra các biện pháp nhằm trấn an khách hàng, tăng sự an toàn khi nỗi lo sức khỏe gia tăng. Hãng hàng không giá rẻ EasyJet cho biết có kế hoạch để trống những hàng ghế giữa trong khi phi hành đoàn của Korean Air được trang bị kính bảo hộ, đồ bảo hộ cũng như khẩu trang, găng tay.
Tại Việt Nam, các hãng hàng không bên cạnh việc tung ra các gói kích cầu cũng đưa ra những biện pháp giúp hành khách yên tâm.
Vietnam Airlines cho biết duy trì thực hiện phun khử trùng toàn bộ đội tàu bay khai thác trong ngày, đồng thời triển khai các biện pháp kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay. Tổ bay gồm phi công, tiếp viên đều được trang bị khẩu trang, găng tay, kính mắt và khăn giấy tẩm cồn. Hành khách đi máy bay trong thời gian này được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay.
Vietjet cũng cho biết sẽ tăng cường các công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát nghiêm ngặt các quy trình kiểm tra sức khỏe cho hành khách, tổ bay trước mỗi chuyến bay, các yêu cầu khai báo y tế bắt buộc, đeo khẩu trang.
Cabin hậu Covid-19
Thiết kế khoang máy bay nhiều khả năng sẽ thay đổi khi các hãng muốn kiếm được nhiều tiền hơn từ các hành khách. Các khoang cao cấp cũng sẽ được cải tiến trong thời điểm hàng loạt máy bay không được đưa vào khai thác.
Volodymyr Bilotkach, giảng viên quản trị hàng không thuộc Học viện công nghệ Singapore, tác giả cuốn “The economy of airlines” (nền kinh tế của các hãng hàng không) xuất bản năm 2017, nhận định sự thay đổi thiết kế trên sẽ dẫn đến sự khác biệt rõ nét hơn về chỗ ngồi của vé hạng thương gia trở lên so với vé phổ thông, Bloomberg dẫn lời.
Tại châu Á – một trong những thành trì cuối cùng của chính sách giá vé trọn gói, Bilotkach cho rằng, các hãng bay có thể cân nhắc việc tính phí hành khách hạng phổ thông với những hạng mục như hành lý ký gửi, chỗ để chân hoặc bữa ăn.
Theo IATA, trước khi diễn ra dịch, các hãng bay theo chính sách vé trọn gói kiếm được khoảng 3 USD lợi nhuận từ một khách hàng trong khi con số này là 5 USD và 17 USD tại châu Âu và Mỹ với chính sách tính phí riêng từng mục.
Các chuyến bay giá rẻ đã hoạt động trở lại và cạnh tranh để thu hút lượng khách ít ỏi. Theo Giám đốc IATA Alexandre de Juniac, khẩu trang có thể trấn an hành khách còn việc bỏ trống ghế giữa của các dãy sẽ khiến doanh thu dưới điểm hòa vốn.
Ngành hàng không đã vượt qua nhiều cơn bão trong những năm trước đây nhưng rõ ràng không có khó khăn nào khắc nghiệt như Covid-19. Gần 2/3 trong số 26.000 máy bay chở khách của thế giới đã nằm im và khoảng 25 triệu việc làm đang bị đe dọa.
IATA cảnh báo các hãng bay phải đối mặt thất thu 314 tỷ USD tiền vé và một nửa số hãng bay phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong 2 – 3 tháng tới nếu không có sự giúp đỡ của Chính phủ.
Tập đoàn Virgin Australia Holdings Limited sở hữu hãng hàng không giá rẻ Virgin Australia của Úc tháng trước cho biết đơn vị tư vấn tài chính Deloitte sẽ tiếp quản hãng bay này trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.
Hãng này đã không thể gọi thêm vốn cũng như không có hỗ trợ tài chính từ chính phủ để có thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ.
Một mối lo ngại khác chính là việc lưu lượng khách không thể phục hồi nhanh do những quy định nhập cảnh liên quan đến vấn đề sức khỏe của các quốc gia, đặc biệt là do quá trình mở cửa không đồng đều.
Theo vị chuyên gia Bilotkach, nhiều hãng phá sản sẽ dẫn đến giảm sự cạnh tranh. Các hãng bay giá rẻ quy mô lớn có thể sẽ vẫn tồn tại nhưng phần nhiều trong số đó sẽ được sở hữu một phần bởi chính phủ hoặc ít nhất nợ chính phủ.
Viễn cảnh sau Covid-19
Khó có thể đưa ra bất kỳ kết quả chắc chắn nào khi đại dịch vẫn chưa được kiểm soát, tuy nhiên một điều chắc chắn là nhu cầu đi lại sẽ dồn nén và chờ đợi đến khi lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ, Bloomberg dẫn nhận định của Jared Harckham, Phó chủ tịch kiêm giám đốc hãng tư vấn hàng không ICF International của Mỹ.
Theo giáo sư về vận tải và quản trị chuỗi cung ứng Rico Merkert tại trường kinh doanh thuộc Đại học Sydney, các hãng hàng không bước đầu có thể giảm giá nhằm thu hút khách hàng và nỗi lo về an toàn sức khỏe sẽ dần tan biến theo thời gian.
Về tổng thể, các hãng sẽ ưu tiên những loại máy bay nhỏ và dễ quản lý hơn như Dreamliner của Boeing hay A330 của Airbus so với các máy bay như A380 trong bối cảnh giảm lượng khách. Ngoài ra, các liên minh hàng không chưa từng thấy sẽ xuất hiện giữa các hãng hàng không quốc gia khi các hãng nhỏ dần lụi tàn.
“Ngành công nghiệp hàng không có thể trông rất khác biệt và gần như đang quay ngược trở về thời gian trước”, ông Merkert chia sẻ.
(Theo TheLEADER)