Giá vàng thế giới
Sau khi tiến sát ngưỡng kháng cự 1.750 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 11/2012 vào thứ Ba, giá vàng thế giới đã có sự điều chỉnh giảm về mặt kỹ thuật do việc tăng nóng trước đó và giằng co mạnh trong vùng 1.700 – 1.730 USD/ounce vào hôm qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 đã giảm 28,2 USD xuống mức 1.740,7 USD/ounce.
Các thị trường bên ngoài quan trọng cho thấy giá dầu thô Nymex giảm tiếp và hiện giao dịch quanh mức 19,75 USD/ thùng, chạm mức thấp nhất trong 18,5 năm qua. Diễn biến tiêu cực của giá dầu thô đã gây áp lực lên vàng và chứng khoán vào thứ Tư. Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết không có mức cắt giảm sản lượng dầu thô nào khả thi có thể bù đắp cho sự phá hủy nhu cầu do Covid-19 gây ra.
Theo Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích kỹ thuật của Kitco, điều này có thể lập luận rằng sự hồi phục gần đây của các chỉ số chứng khoán một phần do ngành hàng hóa thô bị ‘méo mó’, dẫn đầu là sự sụt giảm kỷ lục của dầu thô, dẫn đến dòng tiền của nhà đầu tư chảy từ tài sản cứng sang tài sản giấy như chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, vàng là ngoại lệ trong ngành hàng hóa thô.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD tăng mạnh trở lại vào hôm qua sau khi chịu áp lực bán trong hơn một tuần qua. Điều này đã tác động tiêu cực tới thị trường vàng.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng của giá vàng giao tháng 6 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn mạnh mẽ. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc 1.800 USD/ounce. Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.700 USD/ounce.
Trong báo cáo hôm qua, Commerzbank cho rằng, các nhà đầu tư đang chuyển sang vàng như một nơi trú ẩn an toàn và hàng rào cuối cùng giữa đại dịch Covid-19, các gói kích thích tài khóa lớn và chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có trên toàn thế giới.
Các nhà phân tích tại Commerzbank đã dự báo giá vàng đạt 1.800 USD/ounce vào cuối năm nay. Điều này dựa trên kỳ vọng rằng đại dịch Covid-19 toàn cầu sẽ được kiểm soát trong nửa cuối năm nay và các thị trưởng trở nên ổn định hơn.
Giá vàng đã tăng gần 300 USD/ounce kể từ giữa tháng 3, Commerzbank cho biết, đáng chú ý hơn tất cả là giá vàng tăng mạnh khi đồng USD vẫn còn mạnh. Thông thường điều này sẽ gây áp lực lên vàng, nhưng trong môi trường đặc biệt bởi sự khó đoán về cách bùng phát của dịch Covid-19, và tác động của nó lên nền kinh tế gần như không thể dự báo, vàng có thể tự chống lại đồng USD.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 9h sáng 15/4, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá ở mức 47,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,35 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng ở chiều mua vào và 50.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 47,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 150.000 đồng chiều mua vào và 200.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco)
>> Giá vàng ngày 15/4: Yên tâm tăng vì nhu cầu tài sản trú ẩn