Giá vàng ngày 4/9: Giảm tiếp bất chấp chứng khoán Mỹ đỏ rực

Các nhà đầu cơ giá có chút bối rối khi giá vàng không thể phục hồi khi đối mặt với một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ.

>> Giá vàng ngày 3/9: Chịu áp lực từ đồng USD

Giá vàng ngày 4/9: Giảm tiếp bất chấp chứng khoán Mỹ đỏ rực

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới hôm qua giảm về vùng 1.920 – 1.947 USD/ounce. Đến phiên châu Á sáng nay, giá vàng ngày 4/9 vẫn tiếp tục lình xình quanh mốc 1.940 USD/ounce.

Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích thị trường của Kitco, vàng tiếp tục chịu áp lực từ sự phục hồi của đồng USD từ mức đáy 2 năm vào đầu tuần, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần qua. Các nhà đầu cơ giá trên thị trường vàng có chút bối rối khi kim loại quý của họ không thể phục hồi vào hôm qua khi đối mặt với một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận thêm 881.000 người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, thấp hơn đáng kể so với dự báo của thị trường. Đây cũng là một yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường vàng. Các nhà giao dịch hiện đang chờ báo cáo tình hình việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm nay.

Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều vào hôm qua. Trong đó, các chỉ số chính trên thị trường Mỹ gồm Dow Jones giảm 2,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 11/6; S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lao dốc lần lượt 3,5% và 5%.

Thị trường thêm phần rủi ro vào hôm qua khi Chính phủ Mỹ ngày 2/9 thông báo các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc ở Mỹ sẽ phải có được sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi họ đến thăm các khu học xá của đại học Mỹ.

Ngoài ra, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng phải có được sự phê chuẩn từ Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tổ chức các sự kiện văn hóa với sự tham gia của hơn 50 người bên ngoài đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ, theo Reuters dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đây được xem là động thái ‘trả đũa’ của Mỹ sau khi Trung Quốc làm điều tương tự với các nhà ngoại giao Mỹ tại nước này.

Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa thống nhất được gói hỗ trợ tiếp theo cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại nước này. Gói hỗ trợ cũ trị giá 600 USD/tuần/người thất nghiệp đã hết hạn vào cuối tháng 7.

Theo CNBC, ông Tom Essaye, Nhà sáng lập công ty tư vấn The Sevens Report nhận định, “Lý do duy nhất gói kích thích mới ở Mỹ chưa được thông qua là nền kinh tế và thị trường đang hoạt động tốt hơn kỳ vọng của nhiều người. Thị trường chứng khoán có thể được hưởng lợi nếu số liệu việc làm tích cực, nhưng không được quá tích cực tới mức khiến cho Quốc hội thấy không cần hỗ trợ tài khóa nữa”.

Thông tin tích cực ghi nhận vào hôm qua là các quan chức y tế Mỹ đang nói rằng một loại vắc-xin có thể sẵn sàng để phân phối vào 1/11 tới.

Giá dầu thô Nymex tiếp tục suy yếu, chạm mức thấp nhất trong 4 tuần và hiện giao dịch quanh mức 41,25 USD/ thùng. Còn chỉ số đồng USD vẫn đang trên đà hồi phục sau khi chạm mức thấp nhất 2 năm vào đầu tuần.

Hội đồng vàng thế giới (WGC) gần đây đã công bố một báo cáo thú vị với tiêu đề “Vàng đạt mức cao kỷ lục: chạy nước rút hay marathon”. Về giai đoạn bùng nổ vào mùa hè, giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục mới. Theo WGC, sự kết hợp của mức độ không chắc chắn cao, chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất rất thấp, đà tăng tích cực về mặt kỹ thuật, đồng USD mất giá và lo ngại lạm phát cao hơn đã thúc đẩy dòng chảy kỷ lục 734 tấn vào các quỹ ETF vàng trong thời gian nửa đầu năm.

Các ngân hàng trung ương đã mạnh tay cắt giảm lãi suất, thường kết hợp với nới lỏng định lượng và các biện pháp chính sách phi truyền thống khác. Các chính phủ đã thông qua các gói giải cứu lớn để hỗ trợ nền kinh tế. Và có thể cần nhiều hơn nữa. Những biện pháp này đã làm gia tăng lo ngại rằng thanh khoản dễ dàng, thay vì các nguyên tắc cơ bản, điều này đang thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán và rằng tất cả số tiền được bơm vào hệ thống có thể dẫn đến lạm phát rất cao hoặc ít nhất là giảm giá tiền tệ.

Mặc dù WGC đã dự đoán chính xác sự điều chỉnh về giá sau giai đoạn tăng ‘nóng’ vừa qua, tổ chức này tin rằng vẫn còn nhiều khả năng để tăng giá vàng trong thời gian tới.

Theo đó, WGC đưa ra hai lập luận ủng hộ cho dự báo trên. Thứ nhất, giá vàng đã tăng hơn gấp đôi trong thời kỳ Đại suy thoái, trong khi nó chỉ tăng dưới 30% kể từ đại dịch Covid-19. Tổ chức này cho rằng lịch sử không bao giờ lặp lại mà chỉ có những vần điệu. Xét cho cùng, việc nới lỏng định lượng ngày nay ít đáng sợ hơn so với một thập kỷ trước. Tuy nhiên, WGC vẫn đồng ý rằng giá vàng có thể tăng cao hơn, đặc biệt khi môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại dường như lạm phát sẽ ca hơn sau sự sụp đổ của Lehman Brother.

Lập luận thứ hai cũng rất thú vị, WGC cho rằng giá vàng, khi được điều chỉnh theo lạm phát, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đã thấp trong năm 2011 hoặc 1980. Theo đó, giá vàng đang thấp hơn khoảng 9% và 18% so với các mức đỉnh trước đó khi được tính bằng đồng USD năm 1984. Đó là lý do tại sao nhiều nhà phân tích cho rằng vàng vẫn còn nhiều tiềm năng.

Giá vàng trong nước

Tại thị trường trong nước, tính tới 10h30 sáng, giá vàng ngày 4/9 SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 55,85 – 56,8 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), không thay đổi ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.

Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ngày 4/9 ở mức 56 –  56,7 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều với cuối phiên trước.

(Theo Kitco, SJC)

Next Post

Thị trường rực lửa với tốc độ cao, Bitcoin lao dốc

T6 Th9 4 , 2020
Hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số rơi đáy với tốc độ hai chữ số những giờ qua, ghi nhận một trong những ngày giao dịch tồi tệ nhất 30 ngày qua.
Copyright All right reserved

Chuyên mục