Các ngành phục hồi sau đại dịch dễ nhất là các ngành hưởng lợi từ chính sách kích cầu như ô tô và phụ tùng, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản…
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra báo cáo cập nhật các chủ đề đầu tư đáng chú ý trong quý 2 và cả năm 2020, giúp nhà đầu tư có thêm góc nhìn để trả lời cho câu hỏi “Nhóm ngành nào sẽ hồi phục sau đại dịch”.
Cụ thể, báo cáo thống kê lại giai đoạn phục hồi tăng điểm 24/2/2009 đến 22/10/2009 (kéo dài gần 8 tháng với mức tăng 165% của VN-Index). Đây là giai đoạn VN-Index hồi phục cùng với xu hướng của thị trường chứng khoán trên thế giới.
Thời điểm đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh hơn so với khu vực và quốc tế nhờ gói kích cầu tương ứng mức 10% GDP gồm: Chương trình hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17 nghìn tỷ đồng; Gói vốn đầu tư phát triển nhà nước 90,8 nghìn tỷ; Các giải pháp miễn, giảm thuế 28 nghìn tỷ; và các khoản chi an sinh xã hội 9,8 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt gói hỗ trợ lãi suất vay đã kích hoạt lượng tiền lớn đưa vào lưu thông các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản là đích tới trong ngắn hạn.
So với thời điểm hiện nay, quy mô gói kích cầu của Việt Nam đang ở mức 4,8% GDP và có thể tiếp tục tăng thêm dựa trên diễn biến dịch bệnh. Thời điểm này sự phân hóa ngành khá rõ, các ngành hưởng lợi từ chính sách kích cầu như ô tô và phụ tùng, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản có mức tăng vượt trội so với thị trường.
Nhóm phân tích của BSC đã thử kiểm tra để đánh giá trong kịch bản tiêu cực nhất thì khả năng trụ lại nhờ số dư tiền mặt còn lại của các nhóm ngành cũng như doanh nghiệp phi tài chính trên thị trường.
BSC đưa ra giả định trong trường hợp doanh nghiệp không có doanh thu và dòng tiền mới được tạo ra; các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn được cơ cấu giãn nợ trong năm 2020, nhưng công ty vẫn chịu 50% chi phí hoạt động (trừ chi phí khấu hao), chi phí lãi vay và các khoản phải trả người bán ngắn hạn trong năm 2020, với vị thế tiền mặt và tương đương tiền hiện có, các doanh nghiệp đủ sức chi trả trong bao nhiêu tháng.
Theo đó, một số ngành với vị thế tiền mặt lớn, đặc thù của ngành nghề như bất động sản khu công nghiệp (KCN), cao su (đa phần các doanh nghiệp chuyển hướng sang mảng khu công nghiệp) đều thể hiện khả năng tài chính an toàn do cấu trúc dòng tiền được nhận khoản tiền lớn trả trước từ khách hàng thuê đất khu công nghiệp.
Nhóm còn lại có sự phân hóa khá rõ rệt trải đều từ mức 24 tháng cho đến mức gần 1 tháng, theo đó nhóm ngành như xây dựng, dệt may, nhựa, thủy sản, xi măng đều phụ thuộc khá lớn vào dòng tiền đến từ các khoản phải thu và khả năng chiếm dụng vốn từ các nhà cung cấp đều cho thời gian đủ khả năng chi trả từ mức 4 tháng trở xuống.
Mặc dù vậy, việc kiểm tra trên đây dựa theo kịch bản xấu nhất, với việc chính phủ đã đưa ra các gói tín dụng hoãn nợ, giảm lãi vay và cung cấp nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi tập trung chính vào các nhóm ngành sản xuất và xuất khẩu.
Kể cả trong các nhóm ngành tiềm năng, BSC cũng nhận định sẽ có sự phân hóa rõ nét các doanh nghiệp trong ngành với cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp có uy tín, sức khỏe tài chính tốt có thể trụ vững qua “cơn bão” Covid-19.
(Theo TheLEADER)