Cuộc nổi dậy của giá vàng nhiều ngày gần đây minh chứng một thực tế rằng nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái và khó khăn.
>> Liệu giá vàng có tiếp tục phá kỷ lục?
Không chỉ gia tăng đáng chú ý trong những ngày vừa qua, giá vàng thật ra đã có sự dịch chuyển đáng kể từ thời điểm đầu của đại dịch Covid-19. Sự bùng nổ của dịch bệnh này đã gây ra đổ vỡ trong nền kinh tế toàn cầu và được dự báo sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy cuộc nổi dậy dữ dội nhất trong lịch sử thị trường vàng.
Theo cập nhật từ Kitco.com, giá vàng hiện dao động ở mức 1.972 – 1.973 USD/lượng, không lâu sau khi chạm mức cao nhất trong lịch sử với 1.981,5 USD/lượng, tăng tới hơn 60 USD/lượng so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Giá vàng đã tăng gần 11,4% với hơn 201 USD/lượng so với một tháng trước và “nhảy” tới hơn 39% so với cùng thời điểm năm ngoái, vượt qua các loại tài sản khác để trở thành khoản đầu tư mang lại mức lợi nhuận cao nhất trên thị trường.
Vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn, vàng đã được giới đầu tư trên khắp thế giới săn đón khi dịch Covid-19 bùng nổ và cho đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc.
Lo ngại về tình trạng các biện pháp phong tỏa kéo dài, các gói kích cầu kinh tế lớn chưa từng có cùng nguy cơ in nhiều tiền hơn của các ngân hàng trung ương nhằm tài trợ cho các khoản chi tiêu khiến không ít người tìm đến vàng. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu Mỹ nhiều nguy cơ xuống dưới ngưỡng 0, đồng USD sụt giảm so với đồng Euro hay Yên cộng với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khiến nhu cầu vàng gia tăng.
Tất cả yếu tố trên kết hợp trong cùng một thời điểm khiến giới tài chính quan ngại về khả năng các nền kinh tế phát triển rơi vào “đình lạm” (stagflation) – tình trạng nền kinh tế đình trệ nhưng lạm phát cao làm giảm giá trị của các khoản đầu tư.
Tại Mỹ – một điểm nóng về Covid-19 chưa hề “hạ nhiệt” và đà phục hồi kinh tế vẫn “dậm chân tại chỗ”, mối quan ngại lại càng rõ ràng hơn. Mặc dù mức lạm phát 1,5% hiện nay thấp hơn mức được ghi nhận trước thời điểm đại dịch và nằm trong mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang (Fed), con số này vẫn cao hơn gần 1 điểm phần trăm so với mức lãi suất 0,59% của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Bloomberg dẫn nhận định của Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty chứng khoán Oanda Corp, cho rằng, động lực chính đằng sau cuộc nổi dậy mới nhất của giá vàng là lãi suất thực giảm mạnh và chưa hề có dấu hiệu cải thiện sớm. Vàng cũng đang thu hút những nhà đầu tư lo ngại về tình trạng đình lạm và những động thái hỗ trợ bổ sung từ Fed.
Thị trường trái phiếu Mỹ cũng là một yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng trong bối cảnh lãi suất thực rơi về mức âm và vàng được xem là công cụ phòng thủ hấp dẫn. Không ít nhà đầu tư tìm đến vàng như một loại tài sản trú ẩn không bị mất giá trị.
Các nhà đầu tư bán lẻ cũng không nằm ngoài “cơn sốt vàng” khi các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (ETF) dựa vào vàng đã ghi nhận mức tăng tuần lần thứ 18 liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, giá vàng cũng ghi nhận mức tăng tuần 7 lần liên tiếp sau phiên giao dịch hôm 24/7 và giới phân tích cho rằng xu hướng này sẽ chưa sớm dừng lại.
“Khi lãi suất ở ngưỡng 0 hoặc gần 0, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn bởi khi đó, bạn không còn phải lo lắng về việc không có lãi từ đầu tư. Bây giờ tôi sẽ mua và tiếp tục mua”, Mark Mobius, nhà đồng sáng lập của công ty quản lý tài sản Mobius Capital Partners, cho hay.
Sự gia tăng của giá vàng đã được các nhà phân tích dự báo trong vài tháng qua. Ngân hàng Bank of America (BofA) hồi tháng 4 đã nâng dự đoán về giá vàng, cho rằng mức giá trong 18 tháng tới có thể đạt 3.000 USD/lượng.
Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và phái sinh của BofA, đánh giá đại dịch đang tạo ra lực đẩy bền vững cho vàng, bao gồm các yếu tố như lãi suất thực thấp, bất bình đẳng gia tăng và năng suất lao động giảm.
Vị này cũng cho rằng khả năng GDP của Trung Quốc tiệm cận gần với Mỹ có thể mở ra sự thay đổi chính trị, từ đó càng làm thúc đẩy giá vàng đến mốc 3.000 USD/lượng.
Điều đáng chú ý là dự báo trên được đưa ra sau khi giá vàng sụt giảm đáng kể hồi tháng 3, tương tự như nhiều loại chỉ số khác giữa bối cảnh các nhà đầu tư tìm đến tiền mặt đề bù lỗ. Sau cú chao đảo, giá vàng đã nhanh chóng phục hồi khi Fed tiến hành hạ lãi suất cũng như nhiều dấu hiệu cho thấy các chương trình kích cầu lớn diễn ra.
Đây không phải lần đầu tiên giá vàng biến động mạnh sau những động thái hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng trung ương. Trong giai đoạn 12/2008 – 6/2011, Fed đã mua vào 2.300 tỷ USD giá trị nợ và duy trì môi trường lãi suất gần bằng 0 để thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục lên 1.921,17 USD/lượng vào tháng 9/2011.
Xu hướng giá vàng tăng thông thường chỉ kết thúc khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại sau khủng hoảng. Thực tế này đã được ghi nhận vào năm 2012 khi kinh tế dần hồi phục, giá vàng cũng bắt đầu giảm nhiệt, theo báo cáo của ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới UBS.
Nếu lịch sử lặp lại thì sau giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế mất một khoảng thời gian đủ dài từ 2 – 3 năm để thanh lọc và lấy đà cho một chu kỳ mới. Do đó, xu hướng giá vàng sẽ khó có thể giảm trong khoảng thời gian sắp tới, thậm chí có thể tiếp tục đà tăng.
(Theo TheLEADER)