Sau 4 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn cao.
>> 55% người Việt mua sắm online vào năm 2025
Thủ thướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Chị thị nêu rõ, sau gần 4 năm triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 của Thủ tướng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra (đến ngày 31/12/2019 là 11,33%).
Việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được giao.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới.
Cơ quan này được giao trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định thay thế nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 1/7/2020; tiếp tục nghiên cứu về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hoàn thành xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), chính thức đưa vào vận hành, triển khai dịch vụ hoàn thành trước ngày 15/12/2020; chủ trì nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ việc triển khai các mô hình dịch vụ thanh toán mới.
Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.
Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu trước ngày 1/7/2020, 7 bộ liên quan phải hoàn thành một số nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ Công Thương phải hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.
Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đảm bảo áp dụng khả thi, thực hiện thống nhất..
Bộ Y tế hoàn thành việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Giáo dục và đào tạo hoàn thành việc chỉ đạo, hướng dẫn các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương tiện thanh toán điện tử.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành việc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.
Bộ Công an khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán;
Đồng thời, hoàn thiện việc chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính; kết nối chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ không tiếp xúc, thẻ phi vật lý để thu phí cầu đường, mua vé tàu, xe…
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản thẻ, trong đó, có 63,7% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch.
Giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với 3 tháng cùng kỳ năm trước. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm nay tăng hơn 81% về số lượng và tăng hơn 145% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
(Theo TheLEADER)