Các chuyên gia cho rằng, đây thời điểm để các doanh nghiệp đón bắt cơ hội, xu hướng công nghệ mới để xoay chuyển mô hình kinh doanh.
>> Bài học cạnh tranh nhìn từ cuộc chiến đồng hồ Thụy Sĩ và Nhật Bản
Vừa qua, FPT phối hợp cùng Câu lạc Bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức buổi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới với chủ đề “Phải sống”.
Buổi hội thảo đi sâu nêu bật vấn đề xem đâu là vũ khí giúp các doanh nghiệp đứng vững trong khủng hoảng, đồng thời cũng chỉ ra đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp đón bắt cơ hội, xu hướng công nghệ mới để xoay chuyển mô hình kinh doanh, để không những có thể sống sót mà còn sống sung sướng.
Doanh nghiệp phải sống khỏe
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhận định: “Cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến khốc liệt nhất trong tất cả cuộc chiến đã xảy ra. Nhưng khó khăn thế nào các doanh nghiệp cũng phải sống mà là phải sống khỏe”.
Theo người đứng đầu Tập đoàn FPT, ngoài virus gây ra dịch bệnh Covid-19 thì các doanh nghiệp còn phải đối mặt với 2 con virus nguy hiểm không kém là sự sợ hãi – do dịch bệnh chưa có vắc-xin, và virus tiêu dùng tối thiểu.
Không chỉ dịch bệnh, mà tâm lý, thói quen tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi hoàn toàn môi trường sống, kinh doanh, cho tới kinh tế xã hội ở các quốc gia. “Quá trình này có thể kéo dài 5 – 10 năm, thậm chí là lâu hơn cho tới khi con người học được cách sống mới”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phải định hình được nguy trong cơ và cơ trong nguy, nếu không làm được điều này thì khả năng đánh mất cơ hội là rất dễ.
Một trong những lời khuyên được ông đưa ra là các doanh nghiệp Việt Nam nên dịch chuyển theo chiều dọc theo xu hướng công nghệ. Chuyển sang ứng dụng các công nghệ Big Data, AI, IoT… để tăng cường hiệu quả quản lý đồng thời tận dụng các cơ hội mới.
Trong đó, ông Thiên nêu ra 4 nhóm vấn đề mà kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng phải làm. Đó là xác định vấn đề đang đối mặt, làm sao để vượt qua khó khăn, đón bắt cơ hội mới như thế nào, và liệu có thể trông chờ vào những làn sóng FDI và thương mại mới.
Vị chuyên gia cho rằng, nền kinh tế không thể cứu tất cả các doanh nghiệp, do đó mỗi doanh nghiệp đều phải tự chịu trách nhiệm về số phận của mình. Nhà nước sẽ sách ưu tiên “cứu” những doanh nghiệp giúp nền kinh tế đứng dậy sau dịch và giúp những lực lượng mới – thay máu lực lượng cũ.
Câu chuyện chuyển đổi
Là một trong những Tập đoàn nhận được nhiều lợi ích của hoạt động chuyển đổi số, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như kết quả mà tập đoàn này có được trong giai đoạn Covid-19.
Ông Thông cho biết, từ 2 năm trước, tập đoàn đã thực hiện hàng loạt hoạt động tái cấu trúc và lên các kế hoạch tầm nhìn đến năm 2025, một trong số đó là từ sản xuất đến bán lẻ phải là sự kết hợp của chuyển đổi số, đây cũng chính là động cơ dự phòng của PNJ.
Vị đại diện này cho biết, trong giai đoạn cách ly xã hội, các cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa, PNJ đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử giúp công ty vẫn có được 50% doanh số.
“Có 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là giai đoạn dịch bệnh, 2 là suy thoái, 3 là phục hồi. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn 1. PNJ phải chuẩn bị nếu tình trạng này kéo dài, động cơ dự phòng phải được đẩy mạnh lên, đi vào các thị trường mới. Do dó, muốn sống sót thì chúng ta phải tái tạo nhanh hơn nữa”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành dùng từ “thời chiến” để đánh giá tình hình hiện nay và cho rằng trong nội bộ Gỗ Trường Thành xác định thời thế chỉ dành cho anh hùng. “Thời thế có đến mà không có sự chuẩn bị thì không đón được kết quả gì từ thời thế này. Như vậy muốn làm anh hùng thì phải là những con người như thế nào?”, ông Tín đặt câu hỏi.
Theo ông Tín, doanh nghiệp chỉ là anh hùng khi có sự chuẩn bị tốt với thời thế đó. Nhưng anh hùng thường không đứng một mình, mà cần có sự kết hợp của các doanh nghiệp khác trong một vài ngành nghề cụ thể để tạo ra được chuỗi cung ứng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Như vậy mới thực sự tạo ra anh hùng.
“Bây giờ người ta không nói đến lợi thế cạnh tranh mà nói đến lợi thế so sánh. Chúng tôi xác định làm anh hùng ở Việt Nam để đón được thời thế thì phải sử dụng lợi thế so sánh. Nếu không có dữ liệu thì không ra quyết định tốt được và chúng tôi đi cùng lúc tinh gọn với dữ liệu. Gỗ Trường Thành phải đo được dữ liệu tới từng cá nhân cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như vậy mới dễ đưa ra quyết định. Người này có mức năng suất lao động thấp hơn của ngành – lợi, người kia có mức cao hơn của ngành thì đào tạo giữ lại phát triển lên. Nếu có công cụ giúp được đo từng con người như vậy thì tôi tin các doanh nghiệp sẽ chạy theo”, lãnh đạo Gỗ Trường Thành kết luận.
(Theo TheLEADER)