Thế Giới Di Động, KFC Việt Nam, Golden Gate, The Coffee House, Kids Plaza và các doanh nghiệp bán lẻ đã đồng loạt kêu cứu do chịu tác động mạnh dịch Covid-19.
Mới đây, các chuỗi bán lẻ trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống, dịch vụ, thương mại tại Việt Nam vừa qua đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ cho ngành bán lẻ và dịch vụ trong thời kỳ Covid-19.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp bán lẻ này bao gồm cả những tên tuổi lớn như: Thế Giới Di Động, KFC Việt Nam, Golden Gate, The Coffee House, Kids Plaza…
Thực trạng được các doanh nghiệp nêu ra là tháng 2 và 3/2020, khi các cửa hàng hầu như không có doanh số, song vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương và phúc lợi nhân viên.
Các đối tác – đặc biệt là đối tác cho thuê mặt bằng không hợp tác hỗ trợ, cũng như không xác định đại dịch Covid-19 là một sự bất khả kháng và yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ – dịch vụ thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê, phí dịch vụ đầy đủ cho thời gian tạm dừng kinh doanh do dịch Covid-19.
Chưa kể, hoạt động bán hàng trực tuyến – giải pháp thay thế của các doanh nghiệp trong mùa dịch hiện chưa được các cơ quan địa phương hỗ trợ hoạt động dù doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ quy định về phòng và chống dịch bệnh.
“Các doanh nghiệp bán lẻ và địch vụ đứng trước nguy cơ phá sản rất cao. Điều này khiến cho không chỉ hàng triệu lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu gia đình, mà hệ lụy tới hàng ngàn doanh nghiệp là nhà cung cấp, đối tác chiến lược cũng bị suy thoái theo và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, thư kiến nghị nhấn mạnh.
Với tất cả những khó khăn đó, tập thể các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành.
Đầu tiên là đề xuất xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, dựa theo Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QD-TTg về việc công bố dịch Covid-19.
Ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra các doanh nghiệp bán lẻ – dịch vụ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong khả năng nhưng không khắc phục được thiệt hại cho dịch Covid-19 gây ra.
Căn cứ các điều kiện trên, có thể xác định dịch Covid-19 thỏa mãn các điều kiện của sự kiện bất khả kháng đối với các doanh nghiệp Bán lẻ và Dịch vụ. Tuy nhiên, để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh các tranh chấp phát sinh khi xử lý các vấn đề của thỏa thuận thuê mặt bằng kinh doanh, đề nghị Chính phủ xem xét và xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng.
Thứ hai, Chính phủ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính, như giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích như điện, nước cho các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ đến 31/12/2020; miễn 50% thuế giá trị gia tăng thu được và hoãn nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp (50%) đến ngày 31/12/2020; hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong năm 2020 đến hết 31/12/2020; hoãn nộp các loại bảo hiểm bắt buộc phát sinh trong năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Đặc biệt, Chính phủ có thể hỗ trợ chi trả: 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với các trường hợp là người lao động của doanh nghiệp bán lẻ – dịch vụ, tuy vẫn còn việc làm nhưng thu nhập sụt giảm nghiêm trọng vì thời gian làm việc đã bị cắt giảm xuống dưới 104 giờ/tháng, do dịch Covid-19.
Cuối cùng, chấp thuận hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và mua hàng mang đi trong thời gian cách ly.
Thống nhất việc cho phép thực hiện hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, mua hàng mang đi tại tất cả các tỉnh thành phố trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 với điều kiện doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh.
(Theo TheLEADER)