Giá vàng ngày 6/5: ‘Bối rối’ giữa ngã tư thông tin nhạy cảm

Có quá nhiều thông tin quan trọng đang chi phối thị trường vàng nhưng theo những chiều hướng khác nhau, khiến giá vàng trở nên ‘bối rối’.

>> Giá vàng ngày 5/5: Cầu về vàng tăng mạnh nhờ căng thẳng Mỹ – Trung

Giá vàng ngày 6/5

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới thứ Ba giằng co mạnh trong vùng 1.690 – 1.710 USD/ounce, thấp hơn so với phiên trước. Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích kỹ thuật của Kitco, sự điều chỉnh của kim loại quý là do tâm lý lạc quan hơn của nhà đầu tư. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 đã giảm 4,9 USD xuống mức 1.708,4 USD/ounce.

Thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua chủ yếu tăng điểm, theo Wyckoff, điều này là nhờ giá dầu thô tăng mạnh. Theo đó, dầu thô tương lai Nymex tăng 20% lên mức 24,5 USD/ thùng. Thêm nữa, giới đầu tư cũng tập trung vào các mặt tích cực liên quan đến các hoạt động kinh tế ở địa phương bắt đầu trở lại ở một số nước thuộc châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu trong thời gian tới có khả năng bị ‘xói mòn’ bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc không thông tin kịp thời và đầy đủ về đại dịch Covid-19. Tổng thống Trump cho rằng “sai lầm” của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây nên đại dịch toàn cầu trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết có một “số lượng bằng chứng đáng kể” cho thấy virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên.

2/3 người Mỹ có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc trong một cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Pew bắt đầu đưa vào câu hỏi về vấn đề này vào năm 2003.

Thêm nữa, Bắc Kinh đang đối mặt với làn sóng phản đối toàn cầu do Mỹ dẫn dắt ở mức cao nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi hai cường quốc thế giới đối đầu vũ trang, Reuters dẫn nguồn thạo tin về báo cáo được Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu nước này, trình bày hồi đầu tháng trước cho các lãnh đạo ở Bắc Kinh, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình.

Với diễn biến mới này, ông Wyckoff cho rằng, sự việc có khả năng dẫn đến tranh chấp thương mại Mỹ – Trung Quốc trong vài năm qua trở nên nhỏ nhặt, mà thậm chí có thể khởi động một cuộc chiến tranh lạnh mới như Mỹ – Liên Xô vào bốn thập kỷ trước.

Tòa án tối cao Đức hôm qua đã ra phán quyết nêu rõ chương trình kích thích kinh tế được Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phát động từ năm 2015 là trái với luật pháp Đức.

Theo đó, kế hoạch thu mua trái phiếu có tên Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) của ECB có thể can dự vào chính sách kinh tế (thay vì chính sách tiền tệ) cũng như hỗ trợ trực tiếp chính phủ của các nước châu Âu, trong khi cả hai điều này ECB đều bị cấm thực hiện.

Do đó, tòa án này yêu cầu cấm Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) tham gia chương trình của ECB sau thời gian quá độ không quá 3 tháng, trừ phi ECB có giải thích rõ ràng hơn. Theo ông Wyckoff, đây là một tin tức lớn, vì Đức là nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu. Đồng Euro giảm mạnh một lần nữa khiến thị trường đặt ra câu hỏi về sự bền vững lâu dài của Liên minh châu Âu. Đây là một yếu tố giúp tăng giá trong dài hạn tiềm năng cho tài sản trú ẩn an toàn – vàng.

Thị trường bên ngoài quan trọng khác hôm qua cho thấy chỉ số đồng USD cao hơn. Điều này đã tác động tiêu cực tới thị trường vàng.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng của giá vàng giao tháng 6 vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng Tư 1.788,8 USD/ounce. Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.666,2 USD/ounce.

Quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới – Ấn Độ ghi nhận lượng nhập khẩu vàng giảm ‘thảm hại’ trong tháng 4 tới 99,9% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, theo báo cáo của Chính phủ nước này.

Sự sụt giảm này của Ấn Độ được cho là do việc đóng cửa của các cửa hàng trang sức trên toàn quốc và lệnh cấm các chuyến bay do sự bùng phát của virus Corona.

Theo đó, nước này chỉ nhập khẩu 50kg vàng trong tháng qua, giảm 110,18 tấn so với một năm trước. Tính bằng đồng USD, kim ngạch nhập khẩu vàng tháng 4 đã giảm còn 2,84 triệu USD từ 3,97 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái. Việc kéo dài lệnh hạn chế đến ngày 17/5 sẽ dẫn đến số liệu tháng tới có thể tệ như vậy.

Theo Carer Fritsch, Chuyên gia phân tích của ngân hàng Commerzbank, mặc dù nhập khẩu vàng của Ấn Độ giảm sâu nhưng giá vàng thế giới tháng 4 đã tăng mạnh 6,9%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 8/2019, do nhu cầu mạnh mẽ từ các quỹ ETF. Điều này cho thấy nhu cầu vàng ít ỏi ở Ấn Độ chưa gây thiệt hại thực sự cho giá vàng.

Ông trích dẫn số liệu từ Bloomberg cho thấy các quỹ ETF đã đăng ký mua gần 160 tấn trong tháng 4, vượt mức giảm nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong tháng đó. Các quỹ ETF vàng đã thêm gần 10 tấn vào thứ Hai.

Giá vàng trong nước

Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng 6/5, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá ở mức 47,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.

Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 47,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,18 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi so với cuối phiên trước.

(Theo kitco.com, SJC)

Next Post

Tỷ giá ngày 6/5: Đồng Euro giảm sâu khi EU lại rạn nứt

T4 Th5 6 , 2020
Tòa án Đức đã cấm Ngân hàng trung ương nước này (Bundesbank) tham gia chương trình của ECB sau thời gian quá độ không quá ba tháng.
Copyright All right reserved

Chuyên mục