Đồng Euro lập đỉnh mới 2 tháng so với đồng USD sau khi EU đề xuất gói phục hồi 750 tỷ euro. Trong khi đó, đồng USD tiếp tục kẹt giữa hai dòng xung đột.
>> Tỷ giá ngày 27/5: USD rớt đáy 1,5 tháng khi thị trường ưa rủi ro hơn
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (28/5) ở mức 23.271 VND/USD, tăng 11 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h sáng nay, giá mua vào USD của VPBank đang đứng đầu với 23.270 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.370 VND/USD.
So với sáng qua, MB đã điều chỉnh giá USD giảm nhiều nhất với 20/115 đồng (bán ra). Sacombank giảm 39/24 đồng. BIDV, Vietinbank giảm lần lượt 35 đồng và 32 đồng ở cả hai chiều. ACB, Techcombank giảm lần lượt 30 đồng và 26 đồng. Vietcombank, HDBank, VIB đều giảm 20 đồng. VPBank giảm 10 đồng.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc, tám đồng được điều chỉnh giảm so với sáng qua, trong đó GBP giảm mạnh nhất 0,5%. Riêng EUR tăng 0,34% và CAD tăng 0,26%.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD chưa thể lấy lại mốc 99 điểm. Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ – Trung đang gây áp lực lên đồng nhân tệ của Trung Quốc và đồng thời đảm nhận vai trò ‘đối trọng’ với sự lạc quan về phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Cuộc chiến ngôn từ leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến dòng tiền trở nên thận trọng hơn khi đổ vào các đồng tiền được xem là rủi ro như đô la Úc (AUD) và đô la New Zealand (NZD) khi đều tiếp tục trượt nhẹ từ đỉnh 11 tuần.
Hồng Kông hiện là điểm sáng nhất trong các vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua cho biết ông đã xác nhận với quốc hội Mỹ rằng Hồng Kông không còn hưởng quyền tự trị từ Trung Quốc.
Với động thái này, Washington không cần phải đối xử đặc biệt với Hồng Kông như quy định của luật pháp Mỹ đã áp dụng cho thành phố này kể từ tháng 7/1997.
Việc dỡ bỏ quy chế đặc biệt từ Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và tài chính của đặc khu hành chính này, cũng như đe dọa đến vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính lớn nhất châu Á.
Tâm lý lạc quan đang trở thành ‘hòn đá tảng’ đè nặng lên vai trò ‘đồng tiền an toàn’ của USD. Các lệnh phong tỏa liên tục được nới lỏng, triển vọng về vắc-xin Covid-19 và gói kích thích khổng lồ của Chính phủ Mỹ đã đẩy mức độ chấp nhận rủi ro của giới đầu tư lên cao hơn.
Tuy nhiên, Jason Wong, Giám đốc chiến lược thị trường tại BNZ ở Wellington nhấn mạnh rằng câu chuyện vĩ mô là khó có thể bỏ qua, mặc dù mọi thứ đang được cải thiện nhưng rõ ràng Trung Quốc là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy đó. Các thị trường đang chờ phản ứng của Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông và “chúng tôi đang bị kẹt ở giữa”.
Một báo cáo mới đây của Financial Times cho biết các doanh nghiệp và nhà phân tích Úc than rằng dự kiến Trung Quốc sẽ thắt chặt các quy tắc nhập khẩu. Điều này cũng đè nặng lên đồng đô la Úc.
Mặt khác, đồng Euro tiếp tục lập đỉnh mới 2 tháng so với đồng USD. EU vừa tiết lộ gói phục hồi 750 tỷ euro khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Ủy ban châu Âu cho biết, 750 tỷ euro bao gồm 500 tỷ euro tiền trợ cấp và 250 tỷ euro cho các quốc gia thành viên vay. Để có số tiền này, châu Âu sẽ đi vay từ các thị trường tài chính. Họ dự định sẽ hoàn trả từ năm 2028 đến 2058.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố kế hoạch phục hồi sẽ “biến thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt thành một cơ hội”.
Tuy nhiên, ý tưởng gói 750 tỷ euro do Ủy ban châu Âu tiết lộ cũng chưa được chốt và sẽ còn mất thêm thời gian. Đại diện các nước thành viên dự kiến họp trực tuyến vào ngày 18/6 tới, với hy vọng tìm được sự đồng thuận về chi tiết của gói phục hồi.
Mặt khác, Thủ tướng Shinzo Abe tuần này cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng gần gấp đôi gói hỗ trợ khẩn cấp từ mức 117,1 nghìn tỷ Yên hiện nay lên 200 nghìn tỷ Yên (khoảng 1,86 nghìn tỷ USD) nhằm giải quyết hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nước Anh hôm qua đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) điều chỉnh quan điểm để tháo gỡ nút thắt cơ bản trong đàm phán thỏa thuận quan hệ thương mại song phương thời hậu Brexit giúp hai bên tiến tới thỏa thuận vào cuối năm nay. Đồng bảng Anh (GBP) đã giảm mạnh so với đồng USD vào hôm qua.