$ Đô-la Mỹ (USD)
Đô-la Mỹ là đồng tiền chính trên thị trường thế giới. Các đồng tiền khác cuối cùng đều được định giá trên cơ sở cặp tiền tệ với đồng đô-la Mỹ. Vai trò và ý nghĩa của đồng đô-la Mỹ thường phát huy mạnh mẽ nhất trong những thời kỳ xảy ra bất ổn chính trị. Điều này đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng ở châu Á giai đoạn 1997-1998.
Đô-la Mỹ trở thành ngoại tệ chính kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi hệ thống quản lý tiền tệ Bretton Woods dựa trên tiêu chuẩn vàng ra đời. Vào thời điểm đó, lượng vàng dự trữ của thế giới đều tập trung tại Mỹ. Tất cả các đồng tiền đều được định giá bằng đô-la Mỹ, và đến lượt mình, đồng đô-la Mỹ lại được chuyển thành vàng với giá 35 đô-la một ounce.
Tỷ giá cố định giữa vàng và đô-la Mỹ được duy trì cho đến năm 1971 khi Mỹ không còn khả năng đảm bảo việc chuyển đổi đồng đô-la của mình thành vàng nữa do khủng hoảng kinh tế. Kể từ đó, tiền tệ cũng trở thành hàng hóa, và chúng có thể được mua bán trên thị trường liên ngân hàng với giá cả bởi thị trường quyết định giống như các loại hàng hóa khác.
Giá của chúng do cung và cầu quyết định do thị trường có tính chất mở cửa và tự do. Ngày nay, khoảng 50-62% dự trữ của ngân hàng trung ương các quốc gia là đồng đô-la Mỹ (xem thêm ở link dưới đây).
Đây vừa là phương tiện thanh toán toàn cầu, vừa là một công cụ đầu tư, vừa là tấm lá chắn tiền tệ cho các quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính và chính trị.
Sự xuất hiện của đồng euro (đồng tiền chung châu Âu) vào năm 1999 chỉ làm giảm đi đôi chút sức ảnh hưởng của đồng đô-la Mỹ. Liên minh đồng đô-la bao gồm đồng tiền của các quốc gia ở Bắc Mỹ và vùng vịnh Ca-ri-bê. Nó cũng bao gồm cả đồng đô-la Đài Loan, đồng won Hàn Quốc, đô-la Singapore, và đô-la Hồng Kông bởi những đồng tiền này đều gắn chặt với đồng đô-la Mỹ.
Tổng giá trị đồng đô-la Mỹ được đưa vào lưu thông đã đạt 300 tỷ vào năm 1995 và tăng lên 1,75 nghìn tỷ vào đầu năm 2020. Phần lớn trong số đó đang nằm ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Thực tế đó thể hiện tầm quan trọng của đồng đô-la Mỹ với vai trò là ngoại tệ dự trữ.
Nó cũng là phương tiện trao đổi tiêu chuẩn tại các thị trường hàng hóa, đặc biệt là thị trường vàng và dầu mỏ. Rất nhiều công ty không có mặt trên thị trường Bắc Mỹ nhưng vẫn niêm yết giá các loại hàng hóa và dịch vụ của mình bằng đồng đô-la Mỹ trên thị trường quốc tế. Ví dụ, nhà sản xuất máy bay của châu Âu – Airbus, chỉ sử dụng đồng đô-la Mỹ làm cơ sở để định giá các thiết bị do mình sản xuất.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Samuelson cho rằng, chính nhu cầu đối với đồng đô-la Mỹ ở nước ngoài đã cho phép nước này tài trợ thâm hụt thương mại mà không khiến đồng tiền của mình mất giá. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đối với sự ổn định tài chính và tỷ giá đồng đô-la Mỹ trong tương lai.
Hiện nay, đô-la Mỹ đang dần mất đi vai trò và ảnh hưởng trên thế giới do tỷ giá của nó so với nhiều đồng tiền khác đang sụt giảm, đồng thời sức mạnh kinh tế của khu vực đồng đô-la cũng đang suy yếu. Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên chấm dứt dùng đồng đô-la Mỹ như đồng tiền duy nhất trong thanh toán quốc tế và dự trữ quốc gia hay không.
Phần lớn các nhà kinh tế học, bao gồm cả cựu Giám đốc Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan, người đã điều hành ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này trong vòng 18 năm, đều cho rằng đồng đô-la Mỹ đang từ bỏ vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới, đó cũng chính là lý do tại sao tỷ giá của nó lại lao dốc mạnh đến vậy.
Cùng lúc đó, Trung Quốc, quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối bằng đồng đô-la Mỹ lớn nhất (gần 3,4 nghìn tỷ tính đến đầu năm 2020), đang mong muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình bằng các đồng tiền khác như đồng euro, điều chắc chắn sẽ có tác động ngược trở lại tới tỷ giá đồng đô-la Mỹ.
€ Euro (EUR)
Euro là đồng tiền có tổng giá trị lưu thông lớn thứ hai thế giới. Năm 1979, Liên minh châu Âu cho ra đời Liên minh tiền tệ chung châu Âu, ECU, và đồng ECU ra đời trên cơ sở 12 đồng tiền của các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất trong Liên minh. Hiệp định Maastricht xác định rổ ngoại tệ tương ứng như sau:
ECU = 30,1% đồng Mác Đức (DEM) + 19% đồng Franc Pháp (FRF) + 13% đồng Bảng Anh (GBP) + 10,2% đồng Lia Italia (ITL) + 9,4% đồng Guilder Hà Lan (NGL) + 7,6% đồng Franc Bỉ (BEF) + 5,3% đồng Peseta Tây Ban Nha (ESP) + 2,4% đồng Krone Đan Mạch (DKK) + 2,7% các đồng tiền còn lại.
Euro là đồng tiền độc lập, ra đời vào năm 1999 và thay thế đồng ECU với tỷ giá trao đổi 1:1. Cặp tiền tệ EUR/USD được niêm yết lần đầu tiên với tỷ giá 1,1850 đô-la Mỹ trên 1 euro. Các đồng giấy bạc và tiền xu euro ra đời vào năm 2002. Kể từ đó euro chính thức trở thành một loại tiền tệ của thế giới.
Khối tiền tệ euro bao gồm khu vực sử dụng đồng euro, đồng franc Thụy Sĩ và tiền tệ của các nước vùng Scandinavi. Tổng giá trị đồng euro đang lưu hành đã đạt 1.278,7 tỷ EUR tại thời điểm tháng 2 năm 2020 (xem bảng và biểu đồ bên dưới).
Cựu Giám đốc Cục dự tr ữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan đã từng tuyên bố vào tháng Tám năm 2007 rằng đồng euro nên thay thế đồng đô-la trong vai trò ngoại tệ dự trữ, hoặc ít nhất cũng trở thành một lựa chọn khác cho các quốc gia ngoài đồng đô-la Mỹ. Tuy nhiên, thực tế là cho đến đầu năm 2020, 61,7% dự trữ ngoại tệ của thế giới vẫn ở dưới dạng đồng đô-la Mỹ, chỉ có 20,1% là đồng euro (xem thêm).
Sự cách biệt về kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực đồng euro cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao và sự ngần ngại của chính phủ các nước này trong việc thực hiện cải cách cơ cấu đã tác động tiêu cực lên sự ổn định của đồng euro.
¥ Yên Nhật (JPY)
Đồng Yên Nhật đứng vị trí thứ ba về khối lượng giao dịch và tính phổ biến đối với các nhà kinh doanh ngoại hối. Nó cũng giữ vị trí thứ ba trong vài trò là đồng tiền được dự trữ ngoại hối nhiều nhất trên thế giới với 5,6% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Giá trị lưu thông của đồng Yên không nhiều như đồng đô-la Mỹ và euro, nhưng xét về tính thanh khoản thì nó không có đối thủ, một phần do tổng giá trị giao dịch thực tế trong các chu trình trao đổi kinh tế trong khu vực là rất lớn nhưng chủ yếu là nhờ Nhật Bản có giá trị xuất khẩu khổng lồ. Các keiretsu của Nhật Bản – các tập đoàn tài chính công nghiệp lớn – có ảnh hưởng rất sâu sắc tại quốc gia này.
Chính phủ Nhật Bản đã theo đuổi chính sách lãi suất ngân hàng bằng 0 kể từ năm 1995. Theo đó Ngân hàng Trung ương Nhật Bản luôn giữ lãi suất cơ bản ở mức gần 0% nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất này đã từng đạt mức thấp 0,15% sau nhiều lần cắt giảm, nhưng sau đó lại tăng mạnh lên 0,25%. Đến năm 2007 nó đã tăng lên 0,5%. Chính sách này dẫn đến một loại hình đầu cơ mới, đầu cơ vào sự chênh lệch lãi suất giữa các loại tiền tệ khác nhau (carry trade). Lợi nhuận có được là nhờ sự khác biệt giữa lãi suất cơ bản thấp của đồng Yên và lãi suất cao hơn của các đồng tiền khác. Các nhà kinh doanh sẽ đi vay đồng Yên để mua các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn như đô-la New Zealand hay đô -la Australia. Sự chênh lệch lãi suất có thể cho lợi nhuận rất lớn sau một thời gian dài.
Tính tổng số, đã có trên một nghìn tỷ Yên Nhật được vay để thực hiện đầu cơ chênh lệch lãi suất trong thời kỳ hoàng kim của hoạt động này. Nó dẫn đến tỷ giá vô cùng thấp của đồng Yên so với các đồng tiền khác. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tính đến tháng Hai năm 2007, đồng Yên đã bị định giá thấp hơn so với đồng đô-la khoảng 15% và trên 40% so với đồng euro.
Đồng Yên trước nay vẫn rất nhạy cảm với biến động của chỉ số chứng khoán Nikkei cũng như biến động trên thị trường bất động sản.
£ Bảng Anh (GBP)
Đồng bảng Anh từng là đồng tiền chính của thế giới cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, khi nó từng bước nhường vai trò này cho đồng đô-la Mỹ. Từ tiếng lóng vẫn thường được sử dụng để chỉ đồng Bảng Anh – cable (có nghĩa là dây cáp) – bắt nguồn từ việc sử dụng điện tín có dây để thực hiện lệnh chuyển tiền trong hoạt động thanh toán và hối đoái vào thời kỳ mà tất cả các đồng tiền đều được quy đổi theo đồng bảng Anh.
Đồng bảng Anh từng là một phần của hệ thống trao đổi tiền tệ châu Âu trong vòng 2 năm 1990-1992 và được gắn chặt với đồng Mác Đức. Điều này đã có những tác động tích cực lên đồng Bảng. Tuy nhiên, tình thế thay đổi vào năm 1992 sau khi Vương quốc Anh bị buộc phải rút khỏi cơ chế tiền tệ châu Âu. Phần lớn các nhà kinh tế học đều cho rằng thời kỳ giá trị đồng Bảng sụt giảm đã có tác động tích cực lên nền kinh tế Vương quốc Anh.
Đồng Bảng Anh đáng ra đã trở thành một phần của đồng tiền chung châu Âu – Euro vào năm 2000, nhưng khi thực hiện trưng cầu dân ý, người dân của quốc gia này đã cực lực phản đối việc đó.
Trong suốt thời gian dài, đồng Bảng và đồng euro đã được quy đổi ngang giá, song tình thế đã thay đổi vào năm 2006. Lạm phát gia tăng tại Anh quốc đã buộc ngân hàng trung ương của nước này tăng lãi suất cơ bản dẫn đến sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Bảng và đồng euro.
Diễn biến này rất có lợi cho đồng Bảng so với đồng euro và đô -la. Giá của đồng Bảng đã chạm mức 2 đô-la lần đầu tiên vào ngày 18 tháng Tư năm 2007, và vào tháng Mười Một năm 2007, nó chạm mức ấn tượng 2,1161 đô-la lần đầu tiên trong vòng 27 năm.
Tuy nhiên, cuộc khủng khoảng trên thị trường bất động sản tại Mỹ năm 2007 đã gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế Anh, điều này có thể thấy rõ nhất qua việc sụt giảm giá trị của đồng Bảng.
₣ Franc Thụy Sỹ (CHF)
Thụy Sỹ là nền kinh tế phát triển duy nhất ở châu Âu không nằm trong Cơ chế đồng tiền chung châu Âu hay Nhóm tám nền kinh tế lớn nhất châu lục này (the Big Eight). Mặc dù quy mô nền kinh tế Thụy Sỹ không lớn, đồng Franc của nước này vẫn là một trong bốn đồng tiền chính của thế giới, trước hết là bởi hệ thống tài chính ngân hàng đặc thù tại đây.
Trong những giai đoạn bất ổn chính trị, các nhà đầu tư vẫn thường lựa chọn đầu tư vào đồng Franc Thụy Sỹ thay vì đồng euro, mặc dù lãi suất đồng Franc gần như ngang bằng so với lãi suất đồng euro.
Cặp EUR/CHF đã duy trì tỷ giá ổn định quanh mức 1,55 từ giữa năm 2003 đến 2006. Nhưng kể từ giữa năm 2006, do những nguyên nhân có liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô, đồng Franc đã tăng giá trị rất nhiều so với đồng euro.
Chính vai trò truyền thống của một đồng tiền an toàn, không bị tác động bởi các biến động thị trường đã khiến đồng Franc Thụy Sỹ có độ tin cậy rất cao. Thụy Sỹ cũng là nước luôn có tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với phần còn lại của châu Âu.
Cũng cần lưu ý rằng, luật pháp Thụy Sỹ quy định 40% giá trị đồng tiền cần được đảm bảo bằng vàng dự trữ quốc gia mặc dù chế độ bản vị vàng, ra đời từ năm 1920, đã trở nên hoàn toàn vô hiệu vào ngày 1 tháng 5 năm 2000.
(Nguồn: Trích FOREX 101, Tác giả VaJerijus Ovsyanikas, NXB ĐHKD Quốc dân; IMF; FED; ECB)