Những điều cần biết trước khi giao dịch ngoại hối – Forex

Những điều cần biết trước khi giao dịch ngoại hối – Forex

Để bắt đầu giao dịch ngoại hối, bạn cần cài đặt một phần mềm đặc biệt, một nền tảng giao dịch (trading platform). Chính xác hơn thì một nền tảng giao dịch là một gói phần mềm bao gồm một máy chủ (do nhà môi giới sử dụng) và một chương trình giao dịch dành cho khách hàng (được cài đặt vào máy tính của khách hàng).

Chương trình của khách hàng trao đổi thông tin với máy chủ thông qua mạng Internet và nhận tất cả các dữ liệu cần thiết phục vụ việc giao dịch như tỷ giá, tin tức thị trường, số dư tài khoản giao dịch.

Thông thường, khách hàng được cung cấp phần mềm giao dịch miễn phí. Do đó, để bắt đầu giao dịch, bạn chỉ cần làm những việc sau đây:

  1. Chọn một nhà môi giới, ký hợp đồng và mở tài khoản giao dịch cá nhân.
  2. Chuyển tiền (số tiền ký quỹ ban đầu) vào tài khoản của nhà môi giới để nhà môi giới chuyển số tiền này vào tài khoản của bạn.
  3. Giao dịch trên các thị trường tài chính, quản lý tài khoản và đầu tư vốn thông qua các phần mềm giao dịch.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, bạn cần phải làm quen với các thuật ngữ và khái niệm cơ bản của thị trường ngoại hối. Hàng loạt các từ lóng hay các chữ viết tắt có ý nghĩa gì?

Các thuật ngữ giao dịch ngoại hối – Forex

Kinh doanh ngoại hối, FX, có nghĩa là mua một loại tiền tệ và bán một loại tiền tệ khác tại một thời điểm xác định (ngày giá trị).

Để giao dịch, chúng ta cần có một đơn vị tính. Dầu hỏa được mua bán theo thùng (barrels), lúa gạo được tính theo giạ (bushels) còn tiền tệ thì được tính theo lô.

Trong giao dịch tiền tệ, một lô tiêu chuẩn tương đương 100.000 đơn vị đồng tiền định giá.

Theo SWIFT (Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu), tỷ giá thanh toán liên ngân hàng quốc tế được thể hiện như sau: đồng tiền định giá/đồng tiền yết giá, nghĩa là một đơn vị của đồng tiền định giá được thể hiện bằng một lượng nhất định của đồng tiền yết giá.

Ví dụ, trong cặp tiền tệ EUR/USD, EUR (tiêu chuẩn ISO về mã tiền tệ) là đồng tiền định giá và một lô tương đương với 100.000 euro. Rất nhiều nhà môi giới cho phép khách hàng của mình giao dịch lô nhỏ (0,1 lô tiêu chuẩn) và lô siêu nhỏ (0,01 lô tiêu chuẩn).

Tỷ giá hối đoái là một đơn vị của đòng tiền này được biểu diễn bằng một số đơn vị tương ứng của một đòng tiền khác.

Các giao dịch tài chính bao gồm hai loại chính, mua và bán, vì thế, tỷ giá niêm yết cũng có hai loại, giá bán là giá mà tại đó khách hàng có thể lựa chọn mua một đồng tiền định giá và giá mua là giá mà tại đó khách hàng có thể lựa chọn bán đồng tiền định giá để đổi lấy đồng tiền yết giá.

Có một điều chắc chắn là giá bán luôn cao hơn giá mua. Sự khác nhau giữa hai mức giá này được gọi là khoảng chênh lệch (spread) cũng đồng thời là mức phí mà nhà môi giới thu được thông qua việc thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng của mình.

Thông thường, khoảng chênh lệch của các cặp tiền tệ cơ bản bao giờ cũng ở mức thấp nhất, khoảng từ 2 đến 8 điểm phần trăm cơ bản (1 điểm phần trăm cơ bản tương đương 1% của 1%) (ví dụ, rất nhiều nhà môi giới đưa ra khoảng chênh lệch 0,0002 cho cặp EUR/USD).

Điểm phần trăm (Point hay Pips) là sự thay đổi nhỏ nhất trong tỷ giá của một cặp tiền tệ. Một điểm thường tương đương 0,0001 đơn vị đồng tiền cơ sở. Đối với một vài loại tiền tệ, ví dụ như đồng Yên Nhật, một điểm tương đương 0,01 đơn vị. 100 điểm tròn thường được gọi theo thuật ngữ tiếng Anh gọi là figure hay big figure.

Ví dụ, tỷ giá hối đoái của cặp tiền tệ EUR/USD tại một thời điểm xác định là 1,3640/1,3642, điều này có nghĩa là:

  1. Một khách hàng có thể lựa chọn mua euro với giá bán (ask price) là 1,3642 đô la Mỹ một euro;
  2. Một khách hàng có thể lựa chọn bán euro với giá mua (bid price) là 1,3640 đô la Mỹ một euro.

Quy trình giao dịch

Sau khi đã làm quen với các thuật ngữ giao dịch, chúng ta chuyển sang quy trình giao dịch:

Có hai loại lệnh mua hoặc bán một đồng tiền nào đó. Một khách hàng có thể đặt lệnh mở hoặc đóng trạng thái giao dịch của mình với giá thị trường tại một thời điểm xác định nào đó.

Ngoài ra còn có lệnh cắt lỗ (stop loss orders)lệnh giới hạn (limit orders), gọi chung là các lệnh chờ (pending orders). Đây là những loại lệnh cho phép thực hiện giao dịch mua hay bán tự động tại một mức giá xác định cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đặt lệnh. Kết quả là, cứ khi nào giá thị trường chạm mức giá của lệnh chờ thì nhà môi giới sẽ tự động mở hoặc đóng trạng thái của khách hàng bằng cách thực hiện lệnh mua hoặc bán.

Ví dụ, bạn mua một ngoại tệ nào đó, sau một thời gian nhất định, bạn có thể bán chúng hoặc với giá cao hơn giá mua và thu lợi nhuận; hoặc với giá thấp hơn giá mua và bị lỗ. Như vậy, thực ra nghệ thuật kinh doanh là ở chỗ chọn được đúng thời điểm để mua hay bán. Chúng ta sẽ đi sâu vào vấn đề này sau, nhưng để làm quen với khái niệm lệnh chờ, chúng ta sẽ tìm hiểu về quy trình giao dịch tự động.

Để mở một trạng thái, bạn cần thực hiện lệnh mua hoặc bán một loại ngoại tệ, như vậy, để đóng trạng thái đó bạn sẽ cần thực hiện lệnh ngược lại là bán hoặc mua ngoại tệ đó. Nếu bạn mở một trạng thái bằng việc mua một ngoại tệ thì bạn sẽ đóng trạng thái đó bằng cách bán chúng đi. Nếu bạn mở một trạng thái bằng việc bán một ngoại tệ thì tương tự, bạn sẽ đóng trạng thái đó bằng việc mua lại ngoại tệ đó. Một lệnh giao dịch có thể được thực hiện với giá thị trường hoặc tại một mức giá xác định trong tương lai (lệnh chờ).

Giá giao ngay là giá mà một ngoại tệ được mua hoặc bán tại thời điểm đặt lệnh theo giá thịtrường tại thời điểm đó.


>> BIỂU ĐỒ TRỰC TUYẾN: VÀNG, NGOẠI TỆ, CHỨNG KHOÁN, TIỀN ĐIỆN TỬ


Bạn có thể đặt một Lệnh cắt lỗ (stop loss order) để hạn chế khả năng thua lỗ và một lệnh chốt lời (take profit order) để thu lợi nhuận.

Ngoài ra, các lệnh giao dịch có thể được khách hàng gửi cho nhà môi giới thông qua các phần mềm giao dịch được tạo ra bằng ngôn ngữ lập trình. Phần mềm MetaTrader4 bao gồm chương trình giao dịch tự động được tạo ra bằng ngôn ngữ lập trình MQL4, thường được gọi là Expert Advisors (người chỉ dẫn chuyên nghiệp). Giao dịch với Expert Advisors viết tắt là EA đòi hỏi nhà kinh doanh phải hiểu được chiến lược cũng như các chi tiết kỹ thuật trong giao dịch.

Giao diện của phần mềm MetaTrader4 trên các loại thiết bị.

Lệnh cắt lỗ (stop loss order) là lệnh đóng một trạng thái giao dịch tại một mức giá định trước khi nó đang ở tình trạng lỗ với mục đích tránh thua lỗ lớn hơn.

Lệnh cắt lỗ sẽ được thực hiện ngay khi giá thị trường giảm tới mức giá mà nhà kinh doanh đã định trước. Phần lớn các nhà môi giới thực hiện Lệnh cắt lỗ ở đúng mức giá đã được định trước.

Tuy nhiên, một vài nhà môi giới cũng gặp phải rủi ro không khớp được lệnh ở đúng mức giá yêu cầu trong khi chuyển lệnh của khách hàng ra thị trường do thanh khoản trên thị trường thấp hoặc giá cả biến động quá nhanh. Bởi vậy một vài nhà môi giới đặt ra điều kiện là các lệnh cắt lỗ có thể sẽ được thực hiện ở mức giá định trước hoặc một mức gần nhất có thể. Trong trường hợp này, giá thực hiện có thể khác biệt một vài điểm, thậm chí vài chục điểm, tuy nhiên các nhà môi giới vẫn có cái lý của mình.

Trong một thị trường có khả năng biến động nhanh chóng, các nhà môi giới thường bảo lưu quyền không thực hiện các lệnh chờ trong trường hợp giá thị trường chạm mức giá của lệnh chờ trong thời gian quá ngắn hoặc không có khả năng thực hiện được lệnh.

Khi lựa chọn nhà môi giới, bạn nên tìm hiểu xem họ sẽ hành động thế nào trong những trường hợp như thế. Điều này rất dễ nhận ra khi bạn bắt đầu thử nghiệm một phần mềm giao dịch. Tất nhiên, nhà môi giới có quyền không thực hiện các lệnh không có mức giá phù hợp trên thị trường.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên chắc chắn rằng, nhà môi giới không lạm dụng quyền của mình. Những biến động lớn trong đó giá cả thay đổi vài chục điểm thường là lý do khách quan của việc không thực hiện lệnh. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Thường thì thị trường có tính thanh khoản rất tốt và không gây ra vấn đề gì trong việc thực hiện giao dịch.

Rất nhiều nhà kinh doanh không đặt các lệnh cắt lỗ và chốt lời mà muốn đưa ra quyết định tùy theo diễn biến của thị trường, hoặc có đặt lệnh song lại sửa các lệnh đã đặt tùy theo biến động của giá cả. Chắc chắn là các lệnh cắt lỗ và chốt lời tại các mức giá định sẵn là phương pháp an toàn nhất.

Nhưng tâm lý của con người luôn mong muốn giá cả sẽ biến động theo chiều hướng có lợi, và khi đã có lợi rồi người ta lại mong muốn nó sẽ diễn tiến có lợi hơn nữa. Bởi vậy người ta luôn muốn đẩy giá của các lệnh cắt lỗ ra mức càng xa càng tốt và chốt lời ngay lập tức mà không cần đợi thêm các diễn biến của thị trường, cho dù đó là diễn biến tích cực.

Bên cạnh đó, khó mà biết được cắt lỗ ở mức nào là hợp lý bởi thị trường thường diễn biến không ổn định. Bạn sẽ phải cố đưa ra một cái giá và vì vậy có thể bỏ lỡ xu hướng nào đó của thị trường và gánh chịu mức thua lỗ cao hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta nên yêu cầu nhà môi giới thực hiện lệnh tại một mức giá định trước.

Nhìn chung, một lệnh cắt lỗ sẽ cho phép hạn chế thua lỗ thêm do những biến động giá cả theo chiều hướng xấu và không lường trước được. Thường thì nhà kinh doanh có thể dự đoán được giới hạn của một biến động giá thông thường nhờ các phân tích cơ bản và kỹ thuật. Tuy nhiên việc thay đổi tỷ giá lớn và nhanh chóng có thể vượt ra ngoài giới hạn đã dự báo trước.

Một lệnh cắt lỗ ở mức giá nằm ngoài giới hạn thay đổi giá cả được dự báo là một cách tránh khỏi những khoản thua lỗ lớn. Lệnh cắt lỗ này sẽ trả lời cho câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp thị trường diễn biến xấu?”

Những người mới kinh doanh có xu hướng không mấy quan tâm đến các lệnh cắt lỗ mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng rồi họ sẽ sớm nhận ra rằng không thể có lợi nhuận nếu không quản lý được rủi ro. Lệnh cắt lỗ là một công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu khi một trạng thái giao dịch bất kỳ đã được mở.

Lệnh chốt lời là lệnh đóng một trạng thái giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận tại một mức giá định trước.

Lệnh chốt lời được dùng để hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng cũng đồng thời giới hạn nó ở một mức định trước. Vậy tại sao lại phải giới hạn lợi nhuận? Sao không để nó tăng lên nữa! Tỷ giá cũng như các chiều hướng của thị trường thay đổi liên tục, và lợi nhuận ẩn chứa trong một trạng thái giao dịch mở sớm hay muộn cũng sẽ biến thành thua lỗ. Đó là lý do tại sao nhà kinh doanh sử dụng các lệnh chốt lời.

Điều kiện để kinh doanh ngoại hối là gì? Bạn cần có một khoản tiền ký quỹ trong tài khoản để bảo đảm cho các giao dịch bởi giao dịch ngoại hối là giao dịch ký quỹ (margin trading).

Khoản tiền ký quỹ sẽ đảm bảo cho những thua lỗ có thể xảy ra trong khi bạn giao dịch theo hình thức ký quỹ. Sẽ là hoàn toàn hợp lý khi khách hàng phải ký quỹ để đảm bảo rủi ro của nhà môi giới khi mở trạng thái giao dịch cho họ. Mức độ ký quỹ phụ thuộc vào đòn bẩy do nhà môi giới cung cấp, độ lớn của lô giao dịch và cặp tiền tệ liên quan.

Thua lỗ có thể được hạn chế nhờ có số tiền ký quỹ. Một cảnh báo thiếu ký quỹ (Margin Call) là mức độ (tỷ lệ % của tổng số tiền ký quỹ trong tài khoản của bạn) mà nếu mức độ thua lỗ của bạn đạt tới đó thì nhà môi giới buộc phải đóng trạng thái giao dịch của bạn theo giá thị trường. Việc không có đủ tiền trên tài khoản giao dịch sẽ dẫn đến việc bạn bị đóng một hoặc một vài trạng thái giao dịch.

Các nhà môi giới thường đặt ra các mức độ cảnh báo thiếu kỹ quỹ khác nhau từ 10% đến 30%, thậm chí là 100%. Nhưng thường thì nó ở mức 30% – 50%.

Để tránh bị buộc phải đóng một trạng thái giao dịch đang mở, bạn cần tính toán những rủi ro có thể xảy ra. Nói một cách đơn giản, bạn nên mở các trạng thái với số lượng tương ứng với số dư mà bạn có trên tài khoản giao dịch. Bạn nên cố gắng đóng trạng thái đang ẩn chứa lợi nhuận hay thua lỗ theo một chiến lược quản lý rủi ro của riêng mình.

Bạn cũng có thể tăng thêm số dư trong tài khoản để tăng phần tài sản của bạn lên trong trường hợp một cảnh báo thiếu ký quỹ đang tới gần, nhưng đây chỉ nên là biện pháp cuối cùng mà thôi.

Đòn bẩy là tỷ lệ giữa vốn tự có của nhà đầu tư và vốn do nhà môi giới cung cấp cho nhà đầu tư đó tự quản lý. Tỷ lệ đòn bẩy 1:100 có nghĩa là nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch với một số tiền nhỏ hơn 100 lần so với giá trị thực của giao dịch đó.

Giờ thì bạn đã hiểu các điều kiện giao dịch và có thể mở một trạng thái giao dịch đầu tiên trên thị trường ngoại hối, tức là mua hay bán một số lượng nhất định một ngoại tệ cơ sở nào đó (hoặc tạo thêm một lệnh chờ để nhà môi giới tự động thực hiện nó cho bạn khi giá thị trường đạt tới mức giá đã định trước của lệnh chờ đó).

Khi đã mở một trạng thái giao dịch, số dư trên tài khoản giao dịch của bạn sẽ được tự động ghi lại trên hệ thống và xuất hiện trên giao diện giao dịch của bạn. Nó sẽ thay đổi mỗi khi có sự thay đổi tỷ giá. Nhà môi giới sẽ quản lý tài khoản của bạn để giữ mức ký quỹ hợp lý.

Số dư (Balance) là số tiền trên tài khoản của khách hàng tại một thời điểm nào đó trong đó bao gồm số tiền đã nộp và kết quả của các trạng thái giao dịch đã được đóng (đã hiện thực hóa lợi nhuận hoặc thua lỗ).

Số dư = Tài sản + lợi nhuận hay thua lỗ đã thực hiện (đối với các trạng thái giao dịch đóng)

Ký quỹ tự do (Free margin) là số tiền trên tài khoản của khách hàng chưa được sử dụng làm đảm bảo và còn có thể được dùng để đảm bảo cho một trạng thái đang mở hoặc mở một trạng thái mới.

Số dư tại một thời điểm thấp hơn tài sản tại thời điểm đó có nghĩa là các trạng thái hiện tại đang có lãi, và ngược lại, nếu số dư cao hơn tài sản thì có nghĩa là các trạng thái hiện tại đang phải chịu lỗ.

Trong giao dịch ngoại hối, việc thực hiện các tính toán trên là không cần thiết bởi tất cả các thông tin đều được cung cấp trên màn hình giao dịch, tuy nhiên, chúng ta cần hiểu các nguyên tắc tính toán và ý nghĩa của các tham số đó.

Gọi ký quỹ (Margin Call) là nghiệp vụ trong đó nhà môi giới buộc phải đóng các trạng thái giao dịch của khách hàng do số tiền ký quỹ còn lại của anh ta đã giảm xuống dưới mức Gọi ký quỹ mà nhà môi giới đó quy định.

Mức gọi ký quỹ (Margin Call level) được xác định dựa trên công thức toán học. Bạn nên cố gắng tránh tình trạng nhà môi giới phải Gọi ký quỹ đối với tài khoản của bạn bằng cách chuẩn bị phương án ra khỏi thị trường trong trường hợp một sự kiện bất lợi nào đó xảy ra.

(Nguồn: Trích FOREX 101, Tác giả VaJerijus Ovsyanikas, NXB ĐHKD Quốc dân)

Next Post

Covid-19 ngày 23/03: Việt Nam tăng 7 lên 113 ca nhiễm

T2 Th3 23 , 2020
Covid-19 ngày 23/3 ghi nhận 192 quốc gia/ lãnh thổ có tổng cộng 335.396 người nhiễm; 14.611 tử vong và 97.571 bình phục. Việt Nam tăng 7 lên 113 ca nhiễm.
Copyright All right reserved

Chuyên mục