Chuyên gia cho rằng vàng vẫn có mọi thứ. Nhìn vào yếu tố kỹ thuật, có những lý do cơ bản để các nhà đầu tư giữ vàng và giá tăng cao hơn.
>> Dự báo giá vàng tuần 17–21/8: Tăng tiếp và quay lại 2.000 USD/ounce
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tăng vọt lên gần ngưỡng kháng cự 1.990 USD/ounce trong phiên Mỹ đêm qua. Đến sáng nay, kim loại quý vẫn đang có xu hướng sớm ‘đục thủng’ ngưỡng kháng cự này.
Còn giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 2% lên mức 1.989,9 USD/ounce.
Sau khi trải qua tuần thua lỗ lớn nhất kể từ tháng Ba, thị trường vàng đang nhanh chóng phục hồi trở lại và ‘nỗ lực’ lấy lại mốc 2.000 USD/ounce. Theo Neils Christensen, Chuyên gia phân tích của Kitco, thị trường vàng hôm qua được hưởng lợi từ việc đồng USD yếu hơn và dữ liệu kinh tế toàn cầu gây thất vọng được đưa ra vào cuối tuần.
Ông Christensen nhận định thêm, dường như giá vàng đang bước vào giai đoạn củng cố mới. Trước đó, kim loại quý cũng đã mất khoảng thời gian khá lâu ‘mắc kẹt’ ở trong ngưỡng 1.700 – 1.740 USD/ounce trong tháng 6/2020.
Charlie Nedoss, Chuyên gia chiến lược thị trường của LaSalle Futures Group cho biết, “Thứ ba sẽ là một ngày quan trọng đối với vàng sau khi thị trường ghi nhận giá tăng mạnh cùng nhu cầu cao vào ngày đầu tuần”.
Nedoss nói thêm rằng đợt bán tháo trong tuần trước, mặc dù đáng kể nhưng lại là một sự điều chỉnh lành mạnh cho thị trường. Việc đồng USD yếu hơn và lợi suất trái phiếu giảm khiến ông không ngạc nhiên về việc giá vàng tăng mạnh trở lại trong tuần này.
Mặc dù lợi suất trái phiếu tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng vào đầu phiên giao dịch thứ Hai, nhưng chúng đã giảm đều vào chiều qua. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm được giao dịch ở mức 0,67%, giảm hơn 4% trong ngày.
“Động thái này trên thị trường trái phiếu chắc chắn là một môi trường khiến vàng tăng giá”, theo Nesdoss. “Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có thể giúp vàng vượt qua mức trung bình động 10 ngày ở mức 2.000 USD/ounce hay không?”.
Tuy nhiên, không chỉ thị trường Mỹ đang giúp thị trường vàng hồi phục điểm đã mất tuần trước. Bill Baruch, Chủ tịch của Blue Line Futures cho rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc cũng đang tạo ra một kịch bản thuận lợi cho thị trường kim loại quý.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump ngày 14/8 đã kí lệnh hành pháp buộc ByteDance phải bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ trong 90 ngày. Ông Trump trích dẫn “bằng chứng đáng tin cậy” rằng ByteDance “có thể thực hiện hành động làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ”.
Bên cạnh việc hai nền kinh tế kinh tế lớn nhất nhì thế giới gần như ‘bế tắc’ trong các vấn đề kinh tế và thương mại của họ, thì chỉ qua một đêm, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tung ra biện pháp kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế đang bị suy thoái và bị áp lực bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và bị thiệt hại bởi đại dịch Covid-19.
Baruch đánh giá, “những biện pháp kích thích này là một luồng gió lớn đối với vàng”. Do đó, ông hiện đang theo dõi mức hỗ trợ từ 2.004 – 2.010 USD/ounce trong ngắn hạn. Đồng thời, ông cho rằng các nhà đầu tư không nên mua đuổi giá ở mức hiện tại.
George Gero, Giám đốc điều hành của RBC Wealth Management, cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi giá tăng trở lại trên 2.000 USD/ounce.
“Vàng vẫn có mọi thứ. Nhìn vào yếu tố kỹ thuật, vẫn có những lý do cơ bản để các nhà đầu tư giữ vàng và để giá tăng cao hơn”, theo George Gero.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 9h sáng ngày 18/8, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 57,05 – 58,7 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 1.950.000 – 2.200.000 đồng (bán ra) so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 57 – 58,2 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng 1.500.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)