Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/8 của các công ty chứng khoán như Bảo Việt (BVSC), BSC, MBS, VCSC.
>> Chứng khoán ngày 27/8: PLX và FPT nâng đỡ, VN-Index tăng điểm trở lại
Quý III là điểm mua tích lũy hấp dẫn đối với PVT
BVSC cho rằng sự sụt giảm trong quý III/2020 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) có tính chất mùa vụ, đồng thời công ty cũng phải trích lập tương đối nhiều các khoản chi phí bảo trì, bảo dưỡng trong năm nay.
Chúng tôi cho rằng đây có thể sẽ là điểm mua tích lũy hấp dẫn, cho kỳ vọng hồi phục tích cực trong quý IV/2020 và năm 2021.
Triển vọng 3 năm tới vẫn duy trì hấp dẫn khi PVT hiện đang có kế hoạch đầu tư hơn 321 triệu USD để mở rộng đội tàu; với các tàu quan trọng như VLCC, VLGC, cũng như đội tàu hóa chất, là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
PVT vẫn là mắt xích quan trọng trong bức tranh nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang dần tăng lên theo thời gian.
Vì vậy, chúng tôi đánh giá PVT là một trong những doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt sau dịch COVID-19, khi hoạt động kinh doanh nhìn chung không bị ảnh hưởng quá nặng bởi dịch bệnh và giá dầu, so với các công ty khác trong tập đoàn.
Khuyến nghị theo dõi dành cho VNM
CTCK BIDV (BSC)
Quý II/2020, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) doanh thu thuần đã đạt 15.495 tỷ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái), động lực tăng trưởng chính nhờ vào tăng trưởng của thị trường nội địa đạt 7,6%:
(1) Duy trì tăng trưởng thị trường nội địa: doanh thu thuần quý II đạt 13.364 tỷ đồng (tăng trưởng 7,6%) chiếm tỷ trọng 86% tổng doanh thu, động lực tăng trưởng chính nhờ vào hợp nhất với GTN: doanh thu quý II đạt 734,9 tỷ đồng (giảm 9,7%) chiếm khoảng 5,5% tỉ trọng doanh thu nội địa và doanh thu công ty mẹ đạt 12,251 tỷ đồng (tăng 3,68%).
(2) Mảng xuất khẩu tăng tốt nhờ thị trường Trung Đông: doanh thu đạt 1.370 tỷ đồng (tăng 7,14%) chiếm tỷ trọng 8,84% tổng doanh thu chủ yếu nhờ vào thị trường Trung Đông phục hồi trở lại với giá trị hợp đồng xuất khẩu 20 triệu USD.
(3) Các công ty con ở nước ngoài bị ảnh hưởng bởi COVID-19: doanh thu đạt 760,8 tỷ đồng (giảm 15%) chiếm tỷ trọng 4.91% chủ yếu do Driftwood bị ảnh hưởng doanh thu khi trường học đóng cửa trong COVID-19.
BSC điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh 2020 của VNM với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 60.386 tỷ đồng (tăng 7,2% so với năm ngoái) và 11.300 tỷ đồng (tăng trưởng 6,8%), tương đương EPS fw là 6.043đ , PE fw là 19.3x , PB fw là 5.9x.Thay đổi dự phóng lợi nhuận sau thuế tăng +6.8% so với báo cáo trước (+4.6% YoY) do giả định về tăng biên gộp, giảm chi phí SGA/doanh thu và tăng doanh thu tài chính
BSC khuyến nghị theo dõiVNM với giá mục tiêu là 122.100 đồng, upside 4.3% so với giá đóng cửa 26/08/2020. Định giá dựa theo 2 phương pháp DCF và PE với PE mục tiêu 2020 duy trì mức 20x (giá mục tiêu 118.520 tương đương PE mục tiêu 20x do lo sợ ảnh hưởng của dịch COVID-19).
Mục tiêu chốt lãi của GTN nằm tại xung quanh giá 31.1
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu GTN của Công ty cổ phần GTNfoods vẫn đang ở trong trạng thái tăng giá ngắn hạn, chạm mức kháng cự xung quanh vùng 25.5 được thiết lập vào tháng 7. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang duy trì giá trị ổn định.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực.
Hôm nay 27/8, chỉ báo xu hướng MACD xuất hiện Golden Cross đồng thời đường EMA 12 vẫn đang nằm trên EMA 26 nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của GTN nằm tại khu vực 23.6. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 31.1, cắt lỗ nếu ngưỡng 22.1 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị nắm giữ MPC với giá mục tiêu 28.000 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú với giá mục tiêu khoảng 28.000 đồng/CP. Mức giá mục tiêu được xác định dựa trên bình quân P/E bình quân của các DN cùng ngành và áp dụng mức chiết khẩu 40% do quy mô nhỏ hơn của MPC.
Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh của MPC sẽ chứng kiến phục hồi trong 2 quý cuối năm khi (i) lợi thế cạnh tranh về thuế quan, (ii) lượng tiêu thụ tôm tại các kênh bán lẻ tăng so với nửa đầu năm khi vào mùa lễ hội, và (iii) giảm bớt cạnh tranh từ Ấn Độ do đã qua vụ thu hoạch chính.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn vẫn tiếp tục ngưng trệ trong khi tiêu thụ tại các siêu thị hay hệ thống cửa hàng bán lẻ có thể giảm khi thu nhập người tiêu dùng giảm dẫn đến chuyển sang các loại thực phẩm khác có giá thấp hơn khi làn sóng Covid19 lần 2 diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong dài hạn, chúng tôi vẫn đánh giá khả quan về triển vọng của DN nhờ (i) MPC là 1 trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm, (ii) mở rộng thị trường EU nhờ lợi thế về ưu đãi thuế quan, và (iii) chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua nghiên cứu giải pháp nuôi tập trung, liên kết các mắt xích trong chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao để kiểm soát nguyên liệu đầu vào.
Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu còn 14.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) trong khi điều chỉnh giảm 0,7% giá mục tiêu còn 14.000 đồng/CP.
Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu do dự báo thấp hơn trong mảng chế biến gỗ khi chúng tôi kỳ vọng nhu cầu thấp hơn cho mảng này trong dịch COVID-19. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 4,1% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2020-2022.
Chúng tôi dự báo doanh thu 2020 đạt 18 nghìn tỷ đồng (giảm 8,0% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%). Chúng tôi kỳ vọng mức giảm trong doanh thu chủ yếu sẽ được dẫn dắt bởi mảng cao su và gỗ trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sẽ giảm ít hơn, vốn được hỗ trợ bởi mức tăng 30% YoY trong thu nhập ròng khác.
Chúng tôi duy trì dự báo thu nhập ròng khác đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 30%) trong năm 2020 (chủ yếu do thanh lý cây cao su và đền bù cho chuyển đổi đất) bất chấp số liệu kém tích cực trong 6 tháng 2020. Chúng tôi cho rằng thu nhập ròng khác thấp trong 6 tháng đầu năm 2020 chủ yếu do trì hoãn trong việc cưa cắt các cây cao su thanh lý và quá trình đền bù từ chính quyền địa phương, trong khi các thỏa thuận liên quan đã được hoàn tất.
Chúng tôi tin rằng GVR là công ty được hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN gia tăng nhờ xu hướng tiếp tục chuyển dịch của các nhà sản xuất toàn cầu sang Việt Nam. Bất chất quan điểm thận trọng của chúng tôi trong dự báo chuyển đổi đất cao su so với kế hoạch của công ty, chúng tôi cho rằng định giá của GVR là hấp dẫn khi công ty có giá trị quỹ đất lớn tiềm năng.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: trì hoãn phê duyệt các KCN trong tương lai; tỷ lệ hấp thụ thấp hơn dự kiến cho đất KCN; thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh ngoài cốt lõi không thuận lợi; mức giảm cao hơn dự kiến trong giá cao su tự nhiên.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi chúng tôi tin rằng các lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ (cụ thể như thương hiệu uy tín hàng đầu, hệ thống cửa hàng bán lẻ rộng khắp và thiết kế cũng như năng lực sản xuất dẫn đầu) sẽ dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận gia tăng sau năm 2020 – bất chấp các rủi ro đến từ chi tiêu người tiêu dùng hạ nhiệt.
Mảng trang sức của PNJ có vị thế tốt để tận dụng tăng trưởng dài hạn đến từ người tiêu dùng có thu nhập trung bình cao của Việt Nam, một phần thông qua việc mở rộng cửa hàng vốn có dư địa dồi dào – đặc biệt là tại miền Bắc và các khu vực cấp 2/cấp 3.
Chúng tôi điều chỉnh tăng gia mục tiêu thêm 2% khi chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2022-2022 thêm 4% chủ yếu do dự phóng doanh thu bán lẻ cao hơn một phần bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh giảm biên lợi nhuận gộp bán lẻ. Các điều chỉnh dự báo này phần nào đến từ các chiến dịch khuyến mãi lớn của PNJ, sẽ kích thích nhu cầu nhưng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: chi tiêu tiêu dùng thấp hơn dự kiến; mở rộng cửa hàng chậm hơn dự kiến; cạnh tranh gia tăng.
(Theo ĐTCK)