Sau những ngày khá ảm đạm, thị trường tiền kỹ thuật số đã quay trở lại với sắc xanh ngập tràn. Lượng giao dịch đạt khoảng 160 tỷ USD trong 24 giờ qua.
>> Bitcoin đánh rơi ngưỡng 10.000 USD, thị trường rực đỏ ngày cuối tuần
Vốn hóa thị trường tiền kỹ thuật số phục hồi từ đáy hơn một tháng lên mức 328 tỷ USD nhờ nhiều đồng tiền ghi nhận sắc xanh những giờ qua. Tuy nhiên, chỉ số này hiện vẫn đang ở vùng trũng 7 ngày, chờ đợi nhiều cú hích hơn trong thời gian tới để có thể quay lại mức cao từng được ghi nhận vào giữa tuần trước.
Lượng giao dịch chậm lại sau khi tăng nhanh lên mức kể từ giữa tháng 5, đạt khoảng 160 tỷ USD trong 24 giờ qua, theo dữ liệu từ Coinmarketcap.
Tuần qua, thị trường chứng khoán, vàng, dầu thô và tiền kỹ thuật số đều ghi nhận sự điều chỉnh sau đợt tăng, cho thấy các nhà giao dịch đã thu được lợi nhuận tại hầu hết loại tài sản.
Vốn hóa thị trường tiền kỹ thuật số mất khoảng 20% giá trị, từ đó dẫn đến sụt giảm mạnh trong hợp đồng tương lai, báo hiệu sự chuyển dịch vị trí của một số nhà giao dịch ngắn hạn.
Tuy vậy, ngay cả sau khi giảm, một số đồng tiền kỹ thuật số vẫn chưa chuyển hẳn sang xu hướng giảm khi đang giữ vững vị thế giao dịch trên mức trung bình động 200 ngày. Các nhà giao dịch chuyên nghiệp đang theo dõi chặt chẽ mức chuyển động này và nhận định nếu giá vẫn đạt được vị trí ở trên, xu hướng giá vẫn là tích cực.
Một vấn đề lưu ý thêm là chỉ một ngày sau khi phục hồi, tỷ trọng của Bitcoin trên thị trường tiền ảo lại rơi về mức đáy mới kể từ giữa tháng 6/2019, đạt 57,6% với 189 tỷ USD vốn hóa khi hàng loạt đồng tiền khác vượt lên với tốc độ cao hơn gấp nhiều lần.
Biểu đồ diễn biến từ CoinDesk cho thấy giá Bitcoin giữ vững được ngưỡng 10.000 USD và lần lượt tiến lên các ngưỡng cao hơn dù phạm vi dịch chuyển hẹp chỉ 50 USD. Phần lớn thời gian ngày cuối tuần vừa qua đồng tiền đứng đầu trên bảng xếp hạng theo mức vốn hóa chạy trong khoảng 10.200 – 10.250 USD.
Hiện Bitcoin được giao dịch ở mức 10.228 USD, phục hồi nhẹ 0,8% so với 24 giờ trước, chưa thể thoát ra khỏi vùng trũng kể từ cuối tháng 7. Khối lượng giao dịch đi theo xu hướng giảm chung của thị trường nhưng vẫn ở mức cao 3 tháng với 36 tỷ USD.
Phân tích kỹ thuật từ Cointelegraph nhận định nếu ngưỡng 10.000 USD không bị phá vỡ rõ ràng trong vài ngày tới, khả năng phục hồi sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều nhà giao dịch mua vào với kỳ vọng mức đáy đã được thiết lập.
Sự đột phá trong khoảng 9.835 – 10.625 USD có khả năng sẽ bắt đầu đợt tăng tiếp theo và cho tới lúc đó, các giao dịch sẽ dịch chuyển trong phạm vi này.
Trên thị trường, hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số phục hồi nhanh và thậm chí tốc độ hai chữ số cũng được ghi nhận.
Ethereum tăng trưởng 6,4%, đạt mức giá hơn 348 USD, một trong những mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 nhưng vẫn duy trì vị thế cao khoảng 2 năm qua.
XPR thu hẹp khoảng cách với đồng tiền đứng thứ 3 là Tether nhờ tốc độ phục hồi 1,7%, đạt mức giá gần 0,24 USD.
Chainlink lấy lại vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng theo mức vốn hóa khi tăng trưởng tới 22%, cao nhất trong tốp 10. Tuy vậy, mức giá hiện nay của Chainlink vẫn chỉ ở ngưỡng trung bình 7 ngày qua với 12,7 USD.
Ngoài Chainlink, hai đồng tiền ghi nhận mức gia tăng đáng chú ý những giờ qua là Polkadot và Binance Coin với tốc độ đều trên 17%.