Bitcoin vực dậy sau cú rơi, Chainlink bùng nổ

Thị trường tiền kỹ thuật số những giờ qua đã ghi nhận sắc xanh quay lại, nhiều đồng tiền tăng trưởng với tốc độ cao. Bitcoin hiện giao dịch ở 11.577 USD.

>> Thị trường tiền kỹ thuật số đỏ lửa, nhiều đồng tiền lao dốc với tốc độ cao

Bitcoin vực dậy sau cú rơi, Chainlink bùng nổ

Vốn hóa thị trường tiền kỹ thuật số sau khi sụt giảm mạnh về 345 tỷ USD ngày hôm qua thì hiện đã tăng trở lại mức 357 tỷ USD, đạt ngưỡng cao 7 ngày và duy trì một trong những vị trí đỉnh kể từ cuối tháng 6/2019.

Khối lượng giao dịch tiếp tục tăng nhưng tốc độ còn thấp, đạt gần 103 tỷ USD trong 24 giờ qua, theo dữ liệu từ Coinmarketcap.

Tỷ trọng của Bitcoin trên thị trường tiền ảo sau một ngày phục hồi thì hiện đã suy yếu về mức 59,9% với 213,7 tỷ USD trong bối cảnh hàng loạt các đồng tiền khác ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Biểu đồ diễn biến từ CoinDesk cho thấy Bitcoin đã lấy lại động lực dịch chuyển sau khi rơi về ngưỡng 11.300 USD. Đồng tiền này những giờ qua đã lần lượt ghi nhận các mức cao mới với phạm vi hẹp 50 USD và thiết lập đỉnh ở mức 11.643 USD.

Bitcoin vực dậy sau cú rơi, Chainlink bùng nổ

Hiện Bitcoin được giao dịch ở mức 11.577 USD, tăng 2,2% so với 24 giờ trước, vươn lên vị trí trung bình trên biểu đồ 7 ngày, tiếp tục giữ vị thế cao trong 12 tháng qua. Khối lượng giao dịch quay đầu giảm nhẹ về gần 25 tỷ USD.

Phân tích kỹ thuật từ CoinDesk cho thấy Bitcoin đang dịch chuyển trên đường trung bình động 10 ngày và cao hơn một chút so với đường 50 ngày, một tín hiệu đi ngang nhưng đang dần chuyển sang xu hướng tăng trưởng.

Constantin Kogan, đối tác tại quỹ tiền kỹ thuật số của quỹ BitBull Capital, nhận thấy thị trường hiện nay đang có dấu hiệu đi ngang và do vậy, Bitcoin có thể dịch chuyển theo cả hai chiều.

CoinDesk dẫn nhận định của vị này cho rằng nếu những người bán nắm quyền kiểm soát thị trường, Bitcoin có thể rơi về mức 11.390 USD nhưng đồng tiền này vẫn còn cơ hội vượt qua ngưỡng kháng cự ở mức 12.000 USD và kiểm tra lại mức cao năm nay ở 12.300 USD.

Thị trường sẽ đi tới đâu trong thời gian tiếp theo có thể phụ thuộc rất nhiều vào những người chơi lớn nhất, đặc biệt là sự hứng thú của những tổ chức.

Bitcoin theo nhiều cách đã lặp lại nhiều chuyển động từng được ghi nhận trong quý IV/2016 – thời điểm trước khi đồng tiền này bùng nổ vào năm 2017. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay đánh dấu vai trò quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức, ông Kogan nhấn mạnh.

Trên thị trường, hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số tăng giá với tốc độ cao, thậm chí có đồng tiền ghi nhận mức tăng tới 100%.

Ethereum sau cú sụt giảm mạnh ngày hôm qua hiện tăng trở lại với tốc độ 4%, vươn lên vị trí cao trên biểu đồ diễn biến 7 ngày, giao dịch ở mức gần 392 USD.

XPR tiếp tục nắm chắc vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng theo mức vốn hóa với mức giá hơn 0,28 USD, tương đương tăng gần 1%.

Chainlink là đồng tiền đáng chú ý nhất trong tốp 10 đồng đứng đầu theo vốn hóa với tốc độ tăng tới hơn 30%, vượt qua nhiều đối thủ để vươn lên vị trí thứ 5. Chainlink hiện đang được giao dịch ở mức 16,72 USD, cao nhất trong lịch sử đồng tiền này.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự trỗi dậy của Chainlink dù đồng tiền này mới xuất hiện đầu năm nay chính là sự nở rộ của không gian tài chính phi tập trung (DeFi) được không ít người so sánh với bong bóng phát hành đồng tiền kỹ thuật số để kêu gọi vốn (ICO). Tổng giá trị của Ethereum trên không gian này đã bùng nổ chỉ từ hơn 1 tỷ USD vào giữa tháng 6 lên mức hơn 4,5 tỷ USD vào đầu tháng 8, theo dữ liệu dẫn bởi Cointelegraph.

Là người chơi nổi tiếng nhất trong không gian này, Chainlink giành được nhiều lợi nhuận nhất từ sự phát triển của DeFi.

Không chỉ vậy, theo dữ liệu từ Google Trends, sự quan tâm đến Chainlink hiện đang đạt mức cao nhất lịch sử tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới và tâm lý thị trường đóng vai trò quan trọng trong động lực tăng giá của tiền kỹ thuật số. Đơn cử như sự quan tâm tới Bitcoin đã đạt đỉnh vào cuối năm 2017 khi giá của đồng tiền này thiết lập mức cao nhất lịch sử.

Next Post

Nhà tuyển dụng cần thích ứng với lao động thế hệ Z ra sao?

T5 Th8 13 , 2020
Những thay đổi trong phong cách làm việc của lực lượng lao động thế hệ Z đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có sự tìm hiểu, thay đổi linh hoạt để mang đến trải nghiệm cá nhân phù hợp cho nhân viên.
Copyright All right reserved

Chuyên mục