Trong tất cả các ngành, sản xuất phân phối điện, nước, gas với 4,24 nghìn doanh nghiệp thành lập mới là một trong hai ngành duy nhất tăng so với cùng kỳ năm trước với con số ‘đột biến’ 270%.
>> Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng dương trở lại
Theo Tổng cục Thống kê, sụt giảm 13% số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh đó đây cũng là tháng trùng với tháng Bảy âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã hấp thụ 1.428,5 nghìn tỷ đồng từ tổng số gần 99 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,7% về vốn nhưng giảm 3,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp này đạt 777,9 nghìn lao động, giảm 16,3%.
Do đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới kể từ đầu năm đến nay đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Nếu tính cả 2.173,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 29,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay là gần 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 19%.
Cộng dồn với 34,6 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước), trung bình mỗi tháng có gần 14,8 nghìn doanh nghiệp tham gia thị trường.
Theo khu vực kinh tế, chín tháng đầu năm nay có 1,95 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; gần 29,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,8%; có 67,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8%.
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, ngoài ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 4,24 nghìn doanh nghiệp, tăng 269,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 32,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng giảm 2,7%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 17%; kinh doanh bất động sản giảm 19%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 21,5%; giáo dục và đào tạo giảm 14,4%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 12%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 37%.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn từ đầu năm đến nay đã tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn số doanh nghiệp chờ giải thể giảm 2,4%.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12,1 nghìn, tăng 0,1%, trong đó có 10,7 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 1,4%; còn 192 doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỷ đồng, tăng 16%.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4,7 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.333 doanh nghiệp;
Lĩnh vực xây dựng có 1.008 doanh nghiệp giải thể; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 766 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 650 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 646 doanh nghiệp;
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 696 doanh nghiệp giải thể; vận tải, kho bãi có 485 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 449 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 425 doanh nghiệp.
Ngoài ra, kể từ đầu năm, cả nước còn có 36,5 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước.
(Theo TheLEADER)