Cú hích từ Covid-19 đã tạo ra các thói quen mua sắm trực tuyến mới, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng như: bách hóa và chăm sóc sức khỏe…
>> Covid-19 gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nền kinh tế châu Á
Sau cú hích Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam cho thấy rõ các bước phát triển mới, vượt trội so với các nước trong khu vực. iPrice Group phối hợp cùng SimilarWeb và App Annie công bố Báo cáo Bản đồ thương mại điện tử Quý 2/2020.
Quý trước, Bản đồ thương mại điện tử của iPrice Group đã chỉ ra nhu cầu mua sắm bách hóa trực tuyến tăng mạnh. Sang quý này, mặc dù Việt Nam sớm kết thúc giãn cách xã hội và có 99 ngày không có ca nhiễm mới nhưng xu hướng này vẫn được duy trì tốt.
Dữ liệu từ iPrice Group và SimilarWeb cho thấy, sau 6 tháng đầu năm, lượng truy cập vào các website bách hóa tăng khoảng 42%. Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm & chăm sóc sức khỏe tăng 21%.
Kết quả này chứng minh rằng, nhu cầu cho hai ngành hàng bách hóa và chăm sóc sức khỏe trên kênh trực tuyến không phải là nhất thời. Cú hích từ Covid-19 đã tạo ra các thói quen mua sắm trực tuyến mới, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải là trọng tâm.
Trước xu thế này, trong Quý 2, các sàn TMĐT dường như đã xác định được bách hóa và thực phẩm tươi sống là một hướng cạnh tranh dài hạn, dẫn đến những bước đi cụ thể, quyết đoán hơn.
Từ đó, các sàn TMĐT đang tạo ra một động lực phát triển lớn cho ngành bách hóa trực tuyến, đặc biệt là về hậu cần giao vận.
Giữa tháng 4, Lazada triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống, giao hàng nhanh trong 2 giờ. Đến tháng 5, Tiki cũng giới thiệu TikiNGON – dịch vụ bán hàng tươi sống giao nhanh trong 3 giờ. Cuộc đua bách hóa trực tuyến đang nóng hơn bao giờ hết.
Ở chiều ngược lại, ngành hàng thời trang tiếp tục có một quý ảm đạm khi tổng lượng truy cập website giảm sâu 29% so với Quý 1. Ngành thiết bị di động cũng giảm đến 13% so với Quý 1. Riêng điện máy trở lại mức tăng 10%. Sự sụt giảm trong chi tiêu do nhu cầu tiết kiệm của người dân đã khiến các ngành hàng không thiết yếu chịu thiệt hại.
Thời gian cao điểm dịch, đặc biệt trong tháng 4, các sàn thương mại điện tử giảm các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo thường thấy nhưng đổi lại, đẩy mạnh các hoạt động livestream và game trên ứng dụng di động. Mục tiêu là để tăng tương tác và tăng lượng người sử dụng ứng dụng, tranh thủ quãng thời gian giãn cách xã hội.
Kết quả Quý 2, theo báo cáo của iPrice Group và App Annie, tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã đạt 12,7 tỷ, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với Quý 1.
Tốc độ tăng trưởng này là vượt hơn so với phần lớn các nước lân cận. Cả khu vực Đông Nam Á trong Quý 2 tăng 39%, Singapore tăng 25%, Indonesia tăng 34%. Xét con số cụ thể thì Việt Nam cũng xếp thứ ba toàn Đông Nam Á về tổng lượng truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 19,5% thị phần toàn khu vực.
Đáng chú ý là cùng lúc đó, tổng lượng truy cập vào top 50 website thương mại điện tử Việt Nam lại giảm nhẹ 1% so với Quý 1.
Việc “cuộc chiến” thương mại điện tử lan tỏa lên ứng dụng di động đã được dự báo từ lâu. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 chính là thời điểm các sàn TMĐT có nhiều thử nghiệm ráo riết nhằm phát triển mua sắm trên di động: Tiki có TikiLive, Shopee có Shopee Feed, Sendo có SenLive, v.v…
Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 chính là bước ngoặc cụ thể để TMĐT Việt Nam đẩy nhanh quá trình này. Người dân ở nhà nhiều hơn, nhu cầu giải trí trực tuyến tăng cao là điều kiện lý tưởng để các sàn TMĐT áp dụng các tính năng mà họ đã thử nghiệm.
Trong bối cảnh đó thì cuộc chơi lại dường như đang bị lấn át bởi các doanh nghiệp ngoại. Theo iPrice Group và App Annie, top 10 ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất Việt Nam trong Quý 2 lần lượt có Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, theo sau là một loạt các ứng dụng nước ngoài. Thegioididong là đơn vị nội duy nhất ngoài Tiki và Sendo có mặt trong top 10.
(Theo TheLEADER)