Hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số đã rơi vào suy yếu với tốc độ cao, xóa tan nỗ lực phục hồi ít ỏi ngày hôm qua. Vốn hóa thị trường rớt đáy hơn 1 tháng.
>> Thị trường rực lửa với tốc độ cao, Bitcoin lao dốc
Vốn hóa thị trường tiền kỹ thuật số rơi nhanh từ mức 343 tỷ USD của ngày hôm qua về mức đáy kể từ cuối tháng 7 ở ngưỡng 324 tỷ USD trong bối cảnh hàng loạt đồng tiền mất giá nhanh, thậm chí với tốc độ hai chữ số.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khối lượng giao dịch tăng vọt, từ 137 tỷ USD lên 195 tỷ USD, thiết lập đỉnh mới kể từ giữa tháng 5, theo dữ liệu từ Coinmarketcap.
Tỷ trọng của Bitcoin phục hồi nhanh chóng, đạt 58,3% với 188 tỷ USD vốn hóa khi đồng tiền này suy yếu với tốc độ chậm hơn phần lớn thị trường tiền ảo. Biểu đồ diễn biến từ CoinDesk cho thấy động lực tăng của Bitcoin tiếp tục suy yếu, đẩy mức giá trôi về ngưỡng 10.000 USD và có tới hai thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng tâm lý này.
Mặc dù đã có sự phục hồi từ đáy giao dịch ngày, Bitcoin vẫn nhiều khả năng rơi vào viễn cảnh xấu dưới 10.000 USD khi áp lực bán gia tăng trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư chốt lời.
Bitcoin hiện được giao dịch ở mức 10.207 USD, suy yếu 2,9% so với 24 giờ trước, rơi về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Khối lượng giao dịch ghi nhận bước nhảy vọt, thiết lập đỉnh cao nhất kể từ giữa tháng 5 với 46 tỷ USD từ con số chỉ 29 tỷ USD trước đó.
Tuần này, một đợt bán tháo đáng kể đã càn quét thị trường tiền kỹ thuật số khi Bitcoin mất hơn 10% giá trị và nhiều đồng tiền khác thậm chí còn rơi vào tình trạng tồi tệ hơn, đơn cử như Ethereum với mức suy giảm khoảng 30%.
Phân tích từ Cointelegraph cho rằng ba yếu tố góp phần vào sự sụt giảm gần đây của Bitcoin bao gồm những người khai thác, đồng USD mạnh và việc chốt lời của những cá voi – những nhà đầu tư nắm giữ nhiều Bitcoin.
Khi giá Bitcoin đột ngột giảm 5% xuống mức 9.975 đô la trên Binance, giá trị các hợp đồng tương lai được thanh lý trên BitMEX chỉ đạt 40 triệu USD trong khi mức thông thường khoảng 100 triệu USD. Điều này cho thấy áp lực bán gia tăng từ thị trường giao ngay và nhiều khả năng các cá voi bán ra để chốt lời ở ngưỡng 10.500 USD.
Bên cạnh đó, áp lực bán cũng cao hơn từ phía những người khai thác và việc theo dõi dòng chảy này vấp phải không ít khó khăn. Trên thực tế, phía khai thác sẽ gửi một lượng Bitcoin nhất định đến các sàn giao dịch theo định kỳ, do vậy họ nắm giữ một lượng lớn Bitcoin trên sàn đó. Bất cứ khi nào những người khai thác quyết định bán ra, một lượng đáng kể sẽ được chuyển sang các ví cũng như các sàn giao dịch khác.
Một yếu tố nữa được theo dõi trong khoảng hai tuần qua là sự mạnh lên của đồng USD. Đồng tiền này đã có sự phục hồi sau khoảng 4 tháng đi xuống trong khi đồng Euro bắt đầu suy yếu. Do cả Bitcoin lẫn vàng đều được neo chủ yếu vào đồng USD và nhiều nhà giao dịch trú tại Mỹ, giá trị ngày càng tăng của đồng USD đã góp phần vào sự suy yếu của Bitcoin.
Trên thị trường, hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số lao dốc nhanh với tốc độ hai chữ số những giờ qua.
Ethereum mất giá tới 13% sau khi phục hồi chỉ khoảng 1% vào ngày hôm qua, giao dịch ở mức đáy một tháng rưỡi 341 USD.
XPR tiếp tục bị gia tăng khoảng cách lên 3,4 tỷ USD với đồng tiền đứng thứ 3 là Tether khi suy yếu tới hơn 7%, quay đầu về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 với gần 0,24 USD.
Hai đồng tiền trong tốp 10 ghi nhận tốc độ giảm cao nhất là Polkadot và Chainlink, lần lượt ở mức 19% và 14%.