Chứng khoán ngày 13/3: Chốt một tuần giảm mạnh

> Chứng khoán ngày 12/3: Hơn 100 mã giảm sàn trên HOSE

Biểu đồ chỉ số VN-Index và khối lượng giao dịch trên HOSE. Nguồn: VnDirect.

HOSE – Tranh thủ gom hàng rẻ

Thị trường chứng khoán ngày 13/3, nhà đầu tư tiếp tục bán tháo, song cũng đã xuất hiện dòng tiền bắt đáy tranh thủ gom hàng giá rẻ.

Ủy ban Chứng khoán trấn an nhà đầu tư

Tại phiên giao dịch trước (12/3), giới đầu tư đã chứng kiến cảnh bán tháo liên tục khiến VN-Index rơi xuống đáy 2,5 năm với gần 120 mã giảm sàn. Trước diễn biến tiêu cực này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã chính thức lên tiếng trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK, thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh trong bối cảnh suy giảm chung của thế giới. “Nhà đầu tư hãy bình tĩnh, tin vào nội lực của nền kinh tế, và tránh những phiên bán tháo không cần thiết”, ông Dũng nói.

Phân tích trên tương quan toàn cầu, dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm. Nhưng khi mọi việc đã ổn trở lại, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao.

Ông Dũng cho biết thêm, trong phạm vi thẩm quyền, UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư. Trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Ngoài ra, vào chiều ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chuẩn bị hạ lãi suất điều hành.

Chứng khoán vẫn tiếp tục bị bán tháo

Tuy nhiên, mở cửa phiên ngày 13/3, thị trường chưa phản ứng với những thông tin tích cực trong nước. Áp lực bán tháo vẫn xuất hiện từ sớm. Hàng trăm mã tiếp tục mất giá, kể cả các mã thuộc rổ VN30. Chỉ số VN-Index bốc hơi thêm 40 điểm ngay khi mở cửa và rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ 730 điểm.

Dường như chứng khoán Việt đã phản ứng mạnh với diễn biến của thế giới khi nhiều thị trường chứng khoán châu Á sáng nay cũng chứng kiến cú sụt giảm mạnh mẽ. Chỉ số Nikkei (Nhật) mất 225 điểm (gần 10%), Hang Seng (Hồng Kông) giảm gần 7%; KOPSI (Hàn Quốc) giảm hơn 8%…

Lúc này, cặp đôi AMD và QCG gây chú ý khi tiếp tục chuỗi phiên tăng trần thứ 10 với AMD, thứ 12 với QCG. Cả hai đều dư mua giá trần hàng triệu đơn vị ngay từ đầu phiên.

Bắt đáy

Đến hơn 10h sáng, dòng tiền bắt đáy xuất hiện mạnh hơn trong thời điểm lực cung bán tháo diễn ra trên diện rộng. Thị trường trở nên sôi động hơn, nhiều nhà đầu tư tranh thủ gom hàng giá rẻ, giúp chỉ số chính có nhịp hồi phục đáng kể với hơn 10 điểm. Trong rổ VN30, 2 mã STB và VPB hồi về giá tham chiếu đầu tiên, theo sau là SAB với mức giảm chỉ còn 0,5%.

Mặc dù áp lực bán vẫn còn khiến chỉ số chính có nhịp giảm nhẹ trước khi kết thúc phiên sáng, nhưng tâm lý thị trường ghi nhận đã tích cực hơn so với đầu phiên và giữ được ngưỡng hỗ trợ 735 điểm. Chỉ số VN-Index tạm dừng ở 735,9 điểm, thu hẹp đà giảm còn 33,3 điểm, tương đương với 4,3%, với 40 mã tăng giá và 342 mã giảm giá. Trong đó có 90 mã giảm sàn.

Kết phiên sáng, rổ VN30 có 8 mã vẫn giảm sàn gồm BVH, GAS, HDB, MWG, PLX, PNJ, ROS, SBT.

Một số mã lớn khác đã có diễn biến tích hơn khi thoát giá sàn như VHM giảm 2,1%; VNM giảm 2,7%; TCB giảm 3,3%. Các mã còn lại của rổ vẫn đang giảm sâu hoặc ngấp nghé sàn.

Phiên chiều trồi sụt

Đến phiên chiều, thị trường dường như mới ‘thấm’ các tín hiệu tích cực từ UBCK và NHNN. Chỉ số VN-Index đã bật mạnh hơn 27 điểm chỉ vài phút ngắn ngủi ngay sau khi bảng điện tử hoạt động trở lại. Lực cầu tăng mạnh với số lượng đặt mua không ngừng được nhập vào.

Rổ VN30 có tới 8 mã tăng, 20 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong đó SAB tăng hơn 4%, 3 mã TCB, REE, STB tăng hơn 2%. Đồng thời không còn mã nào ở giá sàn trong rổ và mức giảm lớn nhất chỉ có EIB, PLX, SBT hơn 5%.

Tiếc rằng, chỉ số chính đã quay đầu giảm gần 15 điểm sau cú lộ ngược dòng bất ngờ trước đó. Đến 13h20, chỉ còn SAB giữ đà tăng trên 5%, STB và FPT tăng trên 1%, phần lớn quay về sắc đỏ.

Nhưng một lần nữa dòng tiền bắt đáy lại nhập cuộc mạnh hơn và thị trường lại sôi động trở lại. Hơn 100 mã đang tăng điểm tính đến 14h30 và số lượng vẫn không ngừng nhích lên về cuối phiên. Nhờ đó, VN-Index đã bật lên sát tham chiếu và quay lại đỉnh đầu giờ chiều khi độ rộng thị trường cân bằng hơn.

VN-Index đã mất hơn 127 điểm, tương đương 14,3% sau 1 tuần

Sau phiên ATC, chỉ số VN-Index giảm thêm 2 điểm và đóng cửa tại 761,8 điểm, giảm 7,5 điểm, tương đương 0,97% so với mức tham chiếu, với 147 mã tăng và 236 mã giảm.  Vì vậy, trong 1 tuần giao dịch vừa qua, VN-Index đã mất hơn 127 điểm, tương đương 14,3%.

Trong rổ VN30, 10 mã đã lấy lại được sắc xanh gồm VIC tăng 0,76%, TCB tăng1,67%, STB tăng 4,5%, REE tăng 0,7%, POW tăng 6,08%, NVL tăng 0,38%, MBB tăng 0,38%, HDB tăng 0,88%, FPT tăng 0,1%, CTG tăng 0,69%. Đồng thời có 3 mã quay về tham chiếu gồm VRE, VHM và VJC.

Bốn mã giảm nhẹ dưới 1% gồm VPB, SAB, MSN, HPG. Một vài mã đã thu hẹp đà giảm đáng kể như VNM giảm 1,8%; VCB giảm 1%; BID giảm 4,63%; PLX giảm 5% và GAS giảm 4%.

Nhóm ngân hàng có 5 mã tăng giá gồm VCB, BID, VPB, EIB, TPB. Còn lại đều giảm giá gồm CTG, TCB, MBB, HDB, STB, HDB. Tổng cộng ngành này lấy đi của chỉ số chính 1,9 điểm.

Ba mã gây áp lực lớn nhất của lên VN-Index là BID, GAS, VNM với lần lượt lấy đi của chỉ số này 1,7 điểm, 1,4 điểm, 0,9 điểm.

Trong khi đó, hai mã kìm hãm đà giảm của chỉ số chính nhiều nhất là VIC và TCB với lần lượt góp 0,7 điểm và 0,3 điểm.

Thank khoản

Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 4,6% so với phiên trước, đạt 354,7 triệu đơn vị, tương ứng 6,2 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 65,6 triệu đơn vị, giá trị 1,8 triệu tỷ đồng, đáng kể MSN thỏa thuận gần 14,4 triệu đơn vị, giá trị 712,92 tỷ đồng.

STB với 16,3 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là HPG (-1%) với 12,8 triệu đơn vị và MBB đạt 11,7 triệu đơn vị.

Trong phiên có 3 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, NBB (Đầu tư Năm Bảy Bảy) tăng 10,7 lần; VTO (Vận tải Xăng dầu VITACO) tăng 6,8 lần; PAN (Tập đoàn PAN) tăng 6 lần; ATG (An Trường An) tăng 5 lần.

Mã NBB đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày 19.950 đồng/cổ phiếu, tăng 5,6%. Ngày 18/3 tuần tới sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền của mã này.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài

VNM dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 2,4 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là HPG, PVT, E1VFVN30, HSG, STB.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là HPG với 5,9 triệu đơn vị. Theo sau là E1VFVN30, VNM, VIC, DXG, DPM.

An Trường An (ATG) bị phạt vì vi phạm công bố thông tin

Mã ATG tăng trần. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hôm nay đã ban hành quyết định xử phạt đối với cổ đông lớn của CTCP An Trường An. Cụ thể, ông Tạ Minh Hiếu bị xử phạt 31,25 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng và khi không còn là cổ đông lớn.

HNX – Dòng tiền bắt đáy xuất hiện sớm

Chứng khoán ngày 13/3 trên sàn giao dịch Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng tụt sâu hơn 4 điểm và ‘đục thủng’ ngưỡng hỗ trợ 100 điểm ngay sau khi mở cửa phiên do áp lực bán tháo lớn xuất hiện sớm.

Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy trên sàn Hà Nội lại gia tăng nhanh hơn trên sàn HOSE, giúp chỉ số HNX-Index tăng liên tục và lấy lại gần hết số điểm đã mất trước đó vào thời điểm kết thúc phiên.

Chỉ số này đóng cửa tại mức 101,38 điểm, giảm 0,53 điểm, tương đương với 0,53%, với 31 mã tăng giá và 49 mã giảm.

Biểu đồ chỉ số HNX-Index. Nguồn: VnDirect.

SHB (-1,79%) là mã chứng khoán tạo gánh nặng lớn nhất cho HNX-Index hôm nay với -0,145 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch tăng 13% so với phiên trước, đạt 84,6 triệu đơn vị, tương ứng với 0,83 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

SHB dẫn đầu sàn khi đạt 28,9 triệu đơn vị. ACB (-0,5%) theo sau với 9 triệu đơn vị, PVS (+1,9%) đạt 5,76 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, PVS là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 108,3 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là SHB với 1,5 triệu đơn vị.

Sàn HNX hôm nay, 4 mã có khối lượng giao dịch đột biến hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, DPS (Đầu tư Phát triển Sóc Sơn) tăng 52 lần; VAT (VT Vạn Xuân) tăng 29 lần; KVC (Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ) tăng 8 lần; PVB (Bọc ống Dầu khí Việt Nam) tăng 5,6 lần;

DPS hôm nay tăng trần. Vào tháng 10/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thông báo đưa cổ phiếu DPS vào diện bị kiểm soát từ ngày 7/10/2019. Cổ phiếu DPS chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Nguyên nhân do công ty này tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị cảnh báo. Trước đó cổ phiếu DPS đã bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 7/5/2019 do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2018 quá 15 ngày.

Next Post

Giá vàng ngày 13/3: Chìm nghỉm dưới lượng tiền khủng từ Fed

T6 Th3 13 , 2020
Giá vàng ngày 13/3 đã lao dốc mạnh do các gói kích thích tiền tệ của Mỹ, châu Âu và thông tin Venezuela tung 6 tấn vàng vào thị trường.
Copyright All right reserved

Chuyên mục