Giá vàng giảm chủ yếu do sự điều chỉnh kỹ thuật sau một khoảng thời gian liên tục neo ở đỉnh cao 9 năm. Cầu vàng vẫn cao.
>> Giá vàng ngày 16/7: Cầu vàng vẫn cao bất chấp tin tốt từ vắc-xin Covid-19
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới mất mốc hỗ trợ 1.800 USD/ounce vào cuối phiên Mỹ đêm qua. Đến sáng nay, kim loại quý có xu hướng tăng lên trở lại. Còn giá vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 14,2 USD xuống mức 1.799 USD/ounce. Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích kỹ thuật của Kitco, nguyên nhân chính của sự sụt giảm này đến từ sự điều chỉnh kỹ thuật sau một khoảng thời gian liên tục neo ở đỉnh cao 9 năm.
Một số dữ liệu kinh tế chủ yếu lạc quan của Mỹ đã được công bố vào thứ Năm bao gồm sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ tháng 6 tốt hơn dự đoán của giới chuyên gia trước đó. Wyckoff nhận định điều này đã gây nên một chút áp lực bán ra trên thị trường vàng.
Theo đó, doanh số bán lẻ tháng 6 tăng vọt 7,5%, cao hơn dự báo (5,2%). Trong khi tháng 5, dữ liệu này giảm 17,7%.
Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cho tuần trước ở Mỹ là 1,3 triệu, cao hơn so với dự báo của các chuyên gia trước đó 1,25 triệu đơn.
Ngân hàng trung ương châu Âu hôm qua đã giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình như dự đoán trước đó của thị trường.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu thấp hơn vào hôm qua. Các chỉ số chính tại thị trường Mỹ đều giảm điểm gồm Dow Jones chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp khi giảm 0,5%; chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 0,3% và 0,7%.
Giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ, sẽ buộc các nền kinh tế tái thực hiện cái biện pháp hạn chế kinh tế lần nữa. Chứng khoán Mỹ chịu áp lực lực từ một loạt dữ liệu kinh và kết quả kinh doanh quý II trái chiều.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi sự tăng trưởng âm. Tổng cục thông kê nước này hôm qua đã công bố GDP quý II của Trung Quốc tăng 3,2%, cao hơn dự báo trước đó của giới phân tích. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng dương trở lại khi các biện pháp phong tỏa chấm dứt và chính phủ tích cực kích thích kinh tế để xoa dịu cú sốc từ đại dịch.
Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tháng 6 tăng 4,8%. Tuy nhiên, tiêu dùng vẫn còn yếu với doanh số bán lẻ giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, tháng thứ 5 liên tiếp số liệu này đi xuống, trái với dự báo tăng 0,3%. Mặc dù GDP tăng, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc vẫn giảm 4,5% và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2.
Tính đến hết ngày 16/7, thế giới ghi nhận gần 14 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 591.000 người chết, nhiều nơi phải siết chặt biện pháp kiểm soát để ngăn Covid-19 lây lan. Trong 24 giờ qua, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tăng 259.545 ca nhiễm Covid-19 mới và hơn 6 nghìn người tử vong.
Các thị trường bên ngoài quan trọng hôm qua cho thấy giá dầu thô Nymex yếu hơn và hiện giao dịch quanh mức 40,8 USD/ thùng. Còn chỉ số đồng USD tăng trở lại sau khi rớt đáy 5 tuần vào thứ Tư. Diễn biến của hai thị trường này đã tạo áp lực lên vàng.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng ngày 17/7, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 50,28 – 50,65 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), giảm tương ứng 40.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 50,3 – 50,5 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)