Tâm lý lạc quan của giới đầu tư khiến dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán. Do đó, có ít nhu cầu an toàn như vàng trong một môi trường như vậy.
>> Giá vàng ngày 25/8: Lình xình ở mốc 1.930 USD trước ‘một cơn gió lớn’
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới hôm qua dao động ở vùng thấp hơn so với thứ Hai, có thời điểm rớt xuống mức 1.913 USD/ounce trong phiên Mỹ đêm qua. Tuy nhiên, đến sáng nay, giá vàng ngày 26/8 lần nữa quay lại lình xình ở mốc 1.930 USD/ounce.
Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích thị trường của Kitco, thị trường vàng đang chịu áp lực chốt lời lớn hơn trong bối cảnh giới đầu tư có tâm lý lạc quan gia tăng.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu tăng vào hôm qua. Trong đó, các chỉ số chính trên thị trường Mỹ lại tăng giảm đan xen gồm S&P 500 tăng 0,4%; Nasdaq Composite tăng 0,8%; Dow Jones chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tục khi giảm 0,2%.
Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện trước tin tức tốt liên quan đến cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Theo đó, các quan chức cấp cao của hai bên đã điện đàm vào tối ngày 24/8 và tái khẳng định cam kết về một thỏa thuận thương mại từng phần giai đoạn 1 đã được thống nhất vào tháng 1/2020.
Trích báo cáo ngắn của Ngân hàng Commerzbank hôm qua, tâm lý ưu rủi ro đang ‘tiếp thêm nhiên liệu’ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán và gây áp lực giảm giá đối với vàng.
“Kim loại quý hiện đang đối mặt với sóng gió đến từ việc các thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, trong đó tất cả các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đóng cửa ở mức kỷ lục mới vào ngày đầu tuần. Tâm lý tích cực trên thị trường được ‘nuôi dưỡng’ một phần bởi thực tế là số lượng ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ đã giảm trong vài tuần, nhưng trên hết là bởi hy vọng về vắc-xin Covid-19 sẽ sớm ra mắt. Do đó, có ít nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn như vàng trong một môi trường như vậy”, theo Ngân hàng Commerzbank.
Nhà phân tích Carsten Fritsch tại Ngân hàng Commerzbank cho biết, giới đầu tư giảm quan tâm về vàng cũng có thể thay rõ qua dòng vốn FTFs vàng giảm.
Một số báo cáo cho biết Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế trở lại bình thường sau đại dịch. Hầu hết đều có ý kiến đồng ý rằng sự phục hồi của Trung Quốc nhanh hơn so với Mỹ do Trung Quốc áp dụng các biện pháp cấm vận và kiểm dịch rất nghiêm ngặt đối với công dân của mình.
Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đang mua vào các sản phẩm thực phẩm của Mỹ và các nước khác để bù đắp sự thiếu hụt lớn trong nước do lũ lụt lớn, thiệt hại về mùa màng và cơ sở hạ tầng dọc sông Dương Tử. Một bộ phận trên thị trường đã đặt câu hỏi rằng liệu tình huống này có thể giúp đẩy lùi nỗi lo về lạm phát giá trong lĩnh vực hàng hóa thô hay không.
Các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang tập trung vào hai sự kiện lớn trong tuần này gồm Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa ở Mỹ vào tối qua và Hội nghị chuyên đề của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được tổ chức hàng năm tại Jackson Hole, Wyoming nhưng năm nay do dịch bệnh nên tổ chức trực tuyến.
Tại hội nghị của đảng Cộng hòa Mỹ tối ngày 24/8, ông Trump đã nhận đủ số phiếu để chính thức được đề cử là ứng viên tổng thống nhiệm kỳ tới của nước này và đối đầu với đối thử đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Các thị trường quan trọng bên ngoài khác hôm qua cho thấy giá dầu thô của Nymex cao hơn và hiện giao dịch quanh mức 43,25 USD/ thùng. Còn chỉ số đồng USD giảm mạnh về mốc 93 điểm sau hai phiên tăng liên tiếp.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng ngày 26/8, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 55 – 56,05 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ngày 26/8 ở mức 55,15 – 55,85 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), không thay đổi so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)