7 đối tượng liên quan đến việc mua thiết bị PCR xét nghiệm Covid-19 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị bắt vì nâng khống giá máy lên so với thực tế. Việc này cho thấy thị trường máy xét nghiệm đang trở thành “miếng mồi ngon” với cán bộ tha hoá trong mùa dịch này.
>> Dịch bệnh vẫn đang rình rập, vẫn còn người mang virus trong cộng đồng
>> Nhóm ngành nào phục hồi sau đại dịch dễ nhất?
Theo Tiền Phong Online, không chỉ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) nâng giá lên 4 tỷ đồng mà một số đơn vị khác mua sắm hệ thống PCR với giá lên “đội” đến hàng tỷ đồng.
Tài liệu mà Tiền Phong có được cho thấy, vào đầu tháng 3/2020, trong một buổi tập huấn triển khai công tác về phòng chống dịch, tại danh mục thiết bị phòng xét nghiệm chẩn đóan vi rút SARS-CoV2 (Covid-19) bằng phương pháp Reatime RPTCR, cung cấp cho một số CDC khu vực phía nam có đơn vị cung cấp trang thiết bị máy khuếch đại gen (tức máy Reatime Lingcycler 480 (PCR 480) của hãng Roche sản xuất với giá 1,5 tỷ đồng/máy.
Bảng thông tin danh mục thiết bị cho thấy, ngoài thiết bị chính là PCR 480 có giá 1,5 tỷ đồng, nếu cộng thêm các bộ phận khác như máy ly tâm Plate, tủ PCR Cabinet (pha master mix), máy trộn hóa chất, máy li tâm ngắn lò hấp… Tổng cộng tới 12 thiết bị phụ trợ thì giá máy PCR 480 này chỉ có giá 2,73 tỷ đồng. Đây là mức giá được cập nhật vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, thời điểm khi tình hình dịch bệnh COVID- 19 diễn ra khá căng thẳng.
Ngoài ra, còn có các hệ thống PCR “mở” có giá khá “mềm” hơn trên dưới 2 tỷ bao gồm trọn gói được một số đơn vị khác chào bán. Theo giá chào mời mà phóng viên có được cho thấy: máy khuyếch đại và phân tích kết quả Realtime PCR thuộc một trong các hệ thống máy sau: – Applied Biosystems (ABI) 7500 Fast Dx Real-Time PCR instrument; – Applied Biosystems ViiA7 instrument; – Roche LightCycler 480 II instrument – Roche Life Science; – Mx3000P QPCR System (Agilent Technologies) ; – iCycer IQ5, CFX96n (Bio-Rad Laboratories).
Trong khi đó, theo điều tra của Tiền Phong, cũng loại máy PCR mà CDC tỉnh Thái Bình mua cách đây hơn 1 tháng cho thấy thiết bị chính là máy PCR, nếu cộng thêm một số thiết bị phụ trợ thì tổng giá thành hệ thống lên tới 5,8 tỷ đồng. Hệ thống này được đưa vào hoạt động từ ngày 1/4/2020, sau khi được thẩm định, đánh giá và cấp phép.
Ngoài ra, việc Quảng Ninh vừa qua đã mua hệ thống PCR của công ty P.Đ nhưng giá mua lại cao hơn… gấp 2 lần so với CDC Hà Nội, tức 15 tỷ đồng. Điều đáng nói là bên cạnh việc mua máy PCR, Quảng Ninh còn chơi kiểu “mua bia, kèm lạc”. Tức mua máy PCR giá 15 tỷ đồng, Quảng Ninh còn sắm thêm máy tách chiết.
Theo báo giá, hệ thống tách chiết của Quảng Ninh mua cũng không hề rẻ khi có giá 2 tỷ đồng, tương đương với hệ thống PRC “mở” mà các hãng đang chào trên thị trường. Điều này cho thấy, chỉ riêng máy Quảng Ninh mua về cao đúng gấp nhiều lần đối với giá hệ thống máy Realtime mà nhiều đơn vị bán máy PCR 480 chào bán. Để làm rõ thông tin về mức giá mua sắm hệ thống PRC ở Quảng Ninh và những vấn đề liên quan, PV Tiền Phong đã liên hệ với Sở Y tế Quảng Ninh nhưng đến nay chưa được hồi âm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên thị trường có ít nhất 2 hệ thống máy PCR là loại “đóng” và “mở”. Hệ thống PCR “đóng” là thiết bị tự động hoàn toàn khi dùng kid chính hãng và đã cài sẵn chương trình xét nghiệm. Vì vậy, hệ thống PCR “đóng” muốn chạy xét nghiệm khác với “lập trình ban đầu của nhà cung cấp” hay kid của đơn vị khác cung cấp thì khó khăn và phức tạp hơn bởi, khi chạy phải kèm theo điều chỉnh hoặc các hệ thống phụ hỗ trợ khác. Trong khi hệ thống thiết bị PCR “mở” là có thể chạy với kid của nhiều đơn vị sản xuất khác nhau, các xét nghiệm khác ngoài COVID- 19. Giá hệ thống thiết bị tùy vào Model và công suất, nhà sản xuất… Tùy loại máy mà có giá từ 1,5 tỷ cho tới hơn 10 tỷ đồng.
Ông Hoàng Minh Tuấn, một chuyên gia trong lĩnh vực trang thiết bị y tế ở TPHCM cho biết, nói đến xét nghiệm thì ngoài hệ thống trang thiết bị máy móc, phải kể đến sinh phẩm, kid xét nghiệm. Việc mua sắm máy xét nghiệm không chỉ nhìn vào giá máy mà còn phải phù hợp với công tác phòng chống dịch. Phải tương thích với các sinh phẩm, kid xét nghiệm đi kèm. “Nếu không tương thích sẽ có nhiều chi phí phát sinh”- ông Tuấn nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 2/2020, Việt Nam đã công bố sản xuất thành công và đưa vào sử dụng bộ kid xét nghiệm Covid-19, sau khi đã được đánh giá có độ nhạy cao, kết quả chính xác…
Tuy nhiên, việc mua sắm thiết bị xét nghiệm của các tỉnh thành lại… mỗi nơi một phách. Có những CDC, bệnh viện đã mua hệ thống xét nghiệm PCR “đóng” với giá cao, trong khi, việc sử dụng hệ thống đóng chỉ tương thích cao nhất với chính kid do hãng sản xuất bán kèm theo. Và giá kid ngoại theo bảng giá cho thấy cao gần gấp đôi kid do Việt Nam sản xuất với khoảng 500 nghìn đồng/kid.
“Với hệ thống PCR “đóng”, có thể khiến chúng ta mất sự chủ động trong việc cung ứng, sản xuất sinh phẩm, kid xét nghiệm. Bởi các cơ sở sử dụng hệ thống PCR “đóng” hoặc phải phụ thuộc vào hãng sản xuất, cung cấp kid, trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến khó lường, phức tạp dẫn tới có nguy cơ khan hiếm do cung không đủ cầu?”
ông Hoàng Minh Tuấn, chuyên gia thiết bị y tế.
>> Bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu