Tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi sản phẩm của Tân Hiệp Phát tăng mạnh trong năm ngoái nhờ lợi thế giá vốn nguyên liệu đầu vào.
>> VEPR: Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2020 cho Việt Nam
Năm ngoái, riêng nhà máy tại Bình Dương của Tân Hiệp Phát đạt doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, tương đương năm 2018. Trong khi đó lãi gộp tăng mạnh lên 2.875 tỷ đồng, tương đương gross margin là 48%.
Nhà máy tại Bình Dương là cơ sở đầu tiên của Tân Hiệp Phát được ghi nhận giá trị đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng và đã được khấu hao xong từ vài năm trước. Do đó, tỷ lệ lãi gộp của nhà máy tăng mạnh được cho là nhờ lợi thế về chi phí giá vốn nguyên liệu tăng trưởng thấp.
Ngoài Bình Dương, Tập đoàn Tân Hiệp Phát hiện có 3 nhà máy khác tại Hà Nam, Chu Lai (Quảng Nam) và Hậu Giang. Mỗi nhà máy do một công ty sở hữu và cổ đông của các công ty này là thành viên trong gia đình ông Trần Quí Thanh. Vì thế, kết quả kinh doanh của Tân Hiệp Phát không được hợp nhất vào một pháp nhân chung như nhiều tập đoàn khác.
Nhờ tỷ lệ lãi gộp tăng cao, lợi nhuận trước thuế của Công ty Tân Hiệp Phát tăng 62% so với năm 2018 lên gần 2.000 tỷ đồng, tỷ lệ lãi trước thuế lên tới 30%. Ước tính với mỗi chai nước bán ra thị trường gia trung bình 12.000 đồng, lợi nhuận công ty thu về khoảng 4.000 đồng.
Trong các năm trước, dù lãi ít hơn mỗi năm Công ty Tân Hiệp Phát cũng ghi nhận khoảng 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương khoảng gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng do cấu trúc sở hữu riêng biệt giữa các công ty (nhà máy) nên Tân Hiệp Phát không giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư mà chia cổ tức phần lớn cho các cổ đông để rút tiền ra khỏi công ty.
Đến cuối năm ngoái, tổng vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 648 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 176 tỷ đồng còn lại là nguồn lợi nhuận để lại chưa chia, chưa đến 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, Tân Hiệp Phát đã thực hiện động tác giảm vốn điều lệ từ 256 tỷ đồng xuống còn 176 tỷ đồng.
Ông Trần Quí Thanh hiện không trực tiếp nắm giữ cổ phần tại công ty này, thay vào đó các cổ đông gồm vợ (bà Phạm Thị Nụ) và hai con gái (Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích). Tương tự tại các nhà máy Number One Hậu Giang và Chu Lai, ông Thanh chỉ sở hữu 5% – 10% cổ phần. Phần lớn cổ phần các nhà máy này do hai con gái sở hữu.
Cuối năm ngoái, trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Trần Quí Thanh cho biết đang tìm các đối tác đầu tư 2 -3 tỷ USD để mở rộng hoạt động của Tân Hiệp Phát ra Châu Á. Công ty sẵn sàng chi tới 50 triệu USD để thâu tóm các công ty đồ uống nhỏ hơn tại Thái Lan, Đài Loan.
Tại Việt Nam, Tân Hiệp Phát hiện là nhà sản xuất đồ uống không cồn chỉ đứng sau công ty liên doanh đồ uống giữa PepsiCo và Suntory, nổi tiếng với sản phẩm Trà xanh 0 độ, DR Thanh và Number One.
Thành công trong llĩnh vực đồ uống, gần đây gia đình ông Dr Thanh mở rộng sang lĩnh vực bất động sản với việc mua lại các lô đất tại Vũng Tàu, tham gia đấu giá đất tại Đồng Nai, hay mua dự án tại Đà Nẵng.
Giữa năm ngoái, hơn 10 công ty bất động sản được thành lập và đứng tên bởi các thành viên trong gia đình Tân Hiệp Phát với số vốn điều lệ đăng ký khoảng 19.000 tỷ đồng. Tuy vậy đến nay chưa có dự án bất động sản nào của Tân Hiệp Phát được phát triển.
Ngoài ra, mới đây con gái ông Thanh đã đầu tư 300 tỷ đồng để mua 22% cổ phần của Yeah1, mạng lưới thông tin và quảng cáo trực tuyến lớn tại Việt Nam.
(Theo TheLEADER)