Thị trường tiền kỹ thuật số tiếp tục giữ được đà tăng trưởng và vươn lên mạnh mẽ trong vòng 12 giờ qua, đạt đỉnh gần 2 tháng.
>> Thị trường tiền ảo trở lại, đạt đỉnh hơn 7 tuần
Vốn hóa của thị trường tiền ảo đã duy trì đà tăng trưởng mạnh trong vòng 24 giờ qua, hiện đạt hơn 248 tỷ USD, cao nhất kể từ ngày 8/3. Khối lượng giao dịch cũng có bước nhảy vọt lên hơn 206 tỷ USD từ con số 126 tỷ USD của ngày hôm trước, theo dữ liệu từ Coinmarketcap.
Trong 24 giờ qua, Bitcoin đã tăng tỷ trọng trên thị trường lên mức 64,9%, tương đương mức vốn hóa gần 161 tỷ USD. Đây là một trong số những đồng tiền có sự nhảy vọt mạnh mẽ nhất những giờ qua với tốc độ hơn 12,4%.
Giá Bitcoin hiện giao dịch ở mức gần 8.800 USD, lần đầu tiên trong khoảng 2 tháng qua. Khối lượng giao dịch trong 24 giờ đạt hơn 60 tỷ USD, cao gần gấp đôi mức của ngày hôm qua và là một trong những mức cao nhất trong lịch sử chỉ số này.
Kể từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã tăng trưởng tới 20%, vượt xa con số 12% của vàng.
Mặc dù sự quay đầu của Bitcoin trong vòng 24 giờ tới có thể xảy ra, ít khả năng đồng tiền này quay trở lại mức dưới 6.428 USD dựa trên các phân tích kỹ thuật cùng việc sụt giảm nguồn cung trên mỗi khối khai thác sắp diễn ra.
Do đó, nhiều khả năng Bitcoin sẽ kết thúc tháng 4 trong sắc xanh – một kết quả tích cực so với tháng 4 của bốn năm qua.
Đồng tiền ở vị trí á quân về vốn hóa là Ethereum với gần 24 tỷ USD. Đồng tiền này đang được giao dịch ở mức hơn 216 USD, tăng hơn 9% và đạt đỉnh kể từ ngày 8/3.
XPR đứng ở vị trí thứ ba với 10 tỷ USD vốn hóa, có giá trị gần 0,23 USD, tăng hơn 5% trong 24 giờ qua.
Hai phiên bản phân tách của Bitcoin là Bitcoin Cash và Bitcoin Gold đạt mức giá 256 USD và 10,06 USD, tăng trưởng lần lượt 5,2% và gần 7%.
Sự tăng trưởng của Bitcoin nói riêng và thị trường tiền kỹ thuật số nói chung diễn ra sau khi Cục dự trữ liên bang (Fed) cam kết sẽ tiếp tục bơm tiền vào thị trường trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những dấu hiệu suy thoái.
Nhiều nhà đầu tư tiền điện tử xem Bitcoin là một hàng rào chống lạm phát tương tự như vàng khi việc bơm tiền của cơ quan tiền tệ quốc gia về lý thuyết sẽ tăng lạm phát.
Nhiều chính sách đã được Fed đưa ra kể từ khi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát dịch Covid-19 như giảm lãi suất chuẩn về khoảng 0%, cam kết mua trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại tài sản khác với số lượng không giới hạn nhằm giữ cho thị trường hoạt động trơn tru.
Một số nhà kinh tế cho rằng Fed có thể công bố kế hoạch giảm dần các giao dịch mua tài sản do ảnh hưởng đến việc cân đối tài chính của cơ quan này. Bảng cân đối kế toán của Fed đã lần đầu tiên vượt qua con số 6,5 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm.
Sự phục hồi mạnh mẽ của Bitcoin có thể kéo dài hơn nữa bởi “nỗi sợ bị bỏ lỡ” (FOMO) thúc đẩy việc mua nhiều hơn nữa, CoinDesk dẫn nhận định của Kevin Kelly, nhà đồng sáng lập của công ty nghiên cứu tiền điện tử Delphi Digital.