Các đồng tiền an toàn như USD, JPY, CHF đang chiếm ưu thế trên thị trường ngoại hối sau khi chứng khoán toàn cầu chủ yếu lao dốc.
>> Tỷ giá ngày 11/6: USD kỳ vọng ‘trở mình’ sau cuộc họp của Fed
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (12/6) ở mức 23.222 VND/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h sáng nay, giá mua vào USD của HDBank đang đứng đầu với 23.150 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.295 VND/USD.
So với chiều qua, VPBank đã điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 40 đồng ở cả hai chiều. Vietinbank tăng 24 đồng. HDBank tăng 10/30 đồng (bán ra). BIDV, MB đều tăng 5 đồng. VIB tăng 10 đồng ở chiều bán ra. Sacombank tăng 3 đồng ở chiều bán ra. ACB giảm 5 đồng ở cả hai chiều.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc, tám đồng được điều chỉnh giảm so với chiều qua, trong đó AUD giảm mạnh nhất 1,62%. Còn JPY tăng 0,49% và USD đứng giá.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường quốc tế, chỉ số đồng USD (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang đà hồi phục sau khi rớt đáy 3 tháng vào thứ Tư.
Các đồng tiền an toàn như USD, đồng Yên (JPY) và Franc Thụy Sĩ (CHF) đang chiếm ưu thế trên thị trường ngoại hối sau khi giá cổ phiếu toàn cầu chủ yếu lao dốc vào hôm qua do lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Nghi ngờ này một phần xuất phát từ đánh giá kinh tế ‘khủng khiếp’ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lo ngại về làn sóng thứ hai của Covid-19. Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng việc điều chỉnh trên thị trường chứng khoán hôm qua là điều không thể tránh khỏi sau đà tăng điểm dài ngày trước đó.
So với đồng USD, đồng Franc Thụy Sĩ hôm qua đã vọt lên đỉnh 3 tháng lên 1,059 USD. Đồng Yên cũng đạt mức cao nhất 1 tháng khi cặp USD/JPY xuống 106,9. Đồng Euro vẫn đang ở vùng đỉnh ba tháng 1,12 USD.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed đã quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ và cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể mất nhiều năm để phục hồi hoàn toàn sau thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cơ quan này cũng vẽ một bức tranh ảm đạm về tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ bao gồm dự báo GDP Mỹ năm nay giảm 6,5% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 9%.
Điều này dường như đã kích hoạt việc bán tháo cổ phiếu hôm qua, tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các thành viên của Fed được coi là luôn thận trọng.
Trong cuộc trao đổi với Reuters mới đây, Makoto Noji, Chuyên gia thị trường ngoại hối tại SMBC Nikko Securities nhận định có phần lúng túng khi đổi lỗi việc sụt giảm giá cổ phiếu là do đánh giá của Fed sau cuộc họp. Hầu hết các công ty đánh giá thị trường đã thừa nhận rằng sự phục hồi trên thị trường chứng khoán thời gian quan đã được thúc đẩy bởi thanh khoản lớn. Do đó, lập trường ôn hòa của Fed khó có thể đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn.
Nói tóm lại, đó là một sự điều chỉnh từ một thị trường quá mua. Theo ông Makoto Noji, điều chúng ta nên cẩn thận là đà giảm của thị trường chứng khoán có thể tiếp tục nếu có thêm tin xấu từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và châu Âu.
Căng thẳng Mỹ – Trung đã cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó, châu Âu đang phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn vào tuần tới về kế hoạch quỹ phục hồi kinh tế khu vực đồng tiền chung.
Lo ngại về làn sóng thứ Hai của Covid-19 cũng đang kéo dòng tiền trở lại đồng tiền an toàn như USD. Sau khi nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát ngày càng hiện hữu khi các bang của Mỹ đẩy mạnh mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Theo đó, bàng Texas ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp. California cũng có tới 9 hạt báo cáo số ca nhiễm hoặc nhập việc do nghi nhiễm cao đột biến.