>> Tỷ giá ngoại tệ 19/3: Rủi ro càng lớn, USD càng tăng
Tỷ giá ngoại tệ 24/3 trong nước: VPBank mua USD với giá cao nhất
Tỷ giá ngoại tệ 24/3 do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.260 VND/USD, tăng 1 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu (*), tính đến 10h30 sáng nay, giá mua vào USD của VPBank đang đứng đầu với 23.580 VND/USD. Ngược lại, các ngân hàng Vietcombank, Sacombank và ACB đều niêm yết ở mức thấp nhất 23.690 VND/USD.
So với cuối ngày 23/3, Vietcombank đã điều chỉnh giảm giá USD nhiều nhất với 70 đồng ở cả 2 chiều. Theo sau, HDBank giảm 50 đồng. BIDV và ACB đều giảm 30 đồng ở cả 2 chiều. Sacombank giảm 15 đồng. MB giảm 55 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng chiều bán ra. VIB chỉ điều chỉnh giảm 30 đồng ở chiều bán ra. Riêng Techcombank tăng 5 đồng ở cả 2 chiều.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì 6đồng được điều chỉnh tăng, trong đó AUD lên mạnh nhất với gần 2,64%, theo sau là EUR tăng gần 0,61%. Còn ở bốn đồng còn lại, JPY giảm mạnh nhất với 0,43%, theo sau là USD và HKD đều tụt 0,3%.
Tỷ giá ngoại tệ 24/3 thế giới: USD rục rịch rời ngai vàng
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD sáng nay liên tục trượt dốc và rớt ngưỡng hỗ trợ 102 điểm, mất khoảng 0,5% so với đỉnh của ngày 20/3, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017. Nguyên nhân chính đến từ động thái mới nhất của Fed.
Ngày 23/3, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed – đã tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở thêm ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty.
Đáng chú ý, loạt hành động này đánh dấu sự can thiệp lớn của ngân hàng trung ương Mỹ lần đầu vượt ra ngoài thị trường tài chính khi các thành viên của FOMC nhất trí chấp nhận rằng ‘nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng’ do hậu quả của dịch bệnh.
Bước đi mới nhất của Fed nhằm thưc hiện một biện pháp can thiệp chưa từng có vào nền kinh tế Mỹ với mục đích duy trì tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Đây là tuyên bố khẩn cấp lần thứ ba liên tiếp trong tháng này của Fed. Do đó, nó đã lập tức ảnh hưởng tới thị trường tài chính và hàng hóa thế giới.
Các nhà phân tích tại Blue Line Futures cho rằng, động thái này của Fed sẽ đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường tài chính trong tương lai gần và giảm bớt sự biến động mạnh của thị trường như những phiên vừa qua.
Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda châu Âu, nhận định Fed đang làm mọi thứ trong khả năng của họ để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn cực kì hỗn loạn hiện nay, đặc biệt nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Trước đó, tỷ giá USD đã tăng 9% trong hai tuần qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, làm dấy lên mối lo ngại rằng các hành động của ngân hàng trung ương là không thực sự hiệu quả.
Qua rồi giai đoạn mọi tài sản đều bị bán bỏ?
Theo Koichi Kobayashi, Giám đốc ngoại hối của ngân hàng Mitsubishi Trust, dường như thị trường đã thoát khỏi giai đoạn mà tất cả mọi thứ từ cổ phiếu đến tài sản an toàn như trái phiếu và vàng đều bị bán. Theo ông, các yếu tố hỗ trợ cho đồng bạc xanh đang suy yếu so với tuần trước.
Động thái trên của Fed cũng đã hỗ trợ một số loại tiền tệ khác như đô la Úc và đẩy đồng bạc xanh giảm xuống so với các đồng tiền chủ chốt trong phiên giao dịch đầy biến động hôm nay.
Đồng euro phục hồi 0,8%, bật trở lại từ mức thấp nhất gần 3 năm, trong khi đồng đô la Úc tăng hơn 0,4%.
Theo thông tin từ Reuters, một thành viên của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Ignazio Visco, Thống đốc Ngân hàng Ý tin rằng, các biện pháp được ECB áp dụng để ứng phó với tình trạng khẩn cấp do Covid-19 gây ra là đủ và hiệu quả nhưng ngân hàng này vẫn sẵn sàng làm nhiều hơn nếu cần thiết.
Ông Visco nói thêm rằng, ECB dự kiến tăng quy mô của chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) công bố tuần trước. Thông tin này đã hỗ trợ cho đồng Euro.
>> BIỂU ĐỒ TRỰC TUYẾN: GIÁ VÀNG, NGOẠI TỆ, CHỨNG KHOÁN, TIỀN ĐIỆN TỬ