Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (16/4) ở mức 23.236 VND/USD, tăng 9 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 14h sáng nay, giá đô la Mỹ (USD) mua vào của ACB đang đứng đầu với 23.380 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng HDBank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.510 VND/USD.
So với hôm qua, Techcombank điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 23 đồng ở cả 2 chiều. Vietcombank, ACB, MB đều tăng 20 đồng. Vietinbank và BIDV lần lượt tăng 21 đồng và 15 đồng. Sacombank giảm 15 đồng ở chiều mua vào và tăng 8 đồng ở chiều bán ra. HDBank giảm 20/10 đồng (bán ra). VIB giảm 10 đồng ở cả 2 chiều.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì tám đồng được điều chỉnh giảm, trong đó CAD và AUD tụt mạnh nhất với lần lượt 0,89% và 0,86%. Rieng HKD và USD đều tăng 0,09%.
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD đã tăng mạnh 0,6% và vọt lên gần ngưỡng kháng cự 100 điểm vào hôm qua. Đồng bạc xanh lấy lại gần hết những gì đã mất trong 1 tuần qua.
Đồng Euro trượt khỏi đỉnh cao nhất trong 2 tuần so với đồng USD khi giảm 0,6% vào thứ Tư và tiếp tục đà giảm mạnh vào hôm nay.
Đồng bảng Anh giảm 0,8% vào hôm qua và tiếp tục giảm 0,3% vào sáng nay từ mức đỉnh cao nhất trong 1 tháng vào thứ Ba.
Thêm nữa, đồng Yên cũng suy yếu hơn nhiều so với đồng USD khi cặp tỷ giá USD/JPY đi lên từ đáy trong 2 tuần qua và tăng 0,2% vào thứ Tư, thêm 0,3% vào sáng nay.
Theo Kazushige Kaida, Giám đốc bộ phận ngoại hối của Branch of State Street ở Tokyo, đồng USD lấy lại đà tăng nhờ dữ liệu mới nhất của Mỹ.
Cụ thể, doanh số bán lẻ đã giảm 8,7% trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1992. Dữ liệu này làm gia tăng lo ngại rằng thiệt hại của nền kinh tế từ sự bùng phát của virus Corona sẽ rất sâu và kéo dài. Trong khi đó, tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ.
Báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm nay cho thấy sản lượng sản xuất giảm mạnh 6,3% vào tháng trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/1946.
Ông Kaida cho rằng, những con số đáng sợ trên đã ‘dội gáo nước lạnh’ vào những cải thiện tâm lý trên thị trường gần đây và hy vọng dịch Covid-19 sắp đạt đỉnh để các nước phát triển tái khởi động nền kinh tế vào tháng tới.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, việc quay lại ‘kinh doanh như bình thương’ có thể mất tới nhiều tháng. James Knightley, giám đốc bộ phận kinh tế quốc tế tại ING dự báo rằng, sản lượng sẽ khó được hồi phục hoàn toàn cho đến giữa năm 2020.
Số người chết vì Covid-19 ở Mỹ đã tiếp cận con số 31.000 vào thứ Tư khi các thống đốc bắt đầu thận trọng chuẩn bị cho người Mỹ một cuộc sống hậu virut kèm theo việc đeo khẩu trang. Theo đó, thống đốc của khoảng 20 tiểu bang Mỹ – nơi có nguy cơ lây lan thấp của dịch bệnh – tin rằng họ có thể sẵn sàng bắt đầu tái khởi động kinh tế trước ngày mục tiêu 1/5 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài ra, IMF đã hạ dự báo về mức tăng trưởng toàn cầu xuống còn -3%.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva gần đây đã nhận định kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ có kết cục tồi tệ nhất kể từ thời kỳ “đại suy thoái” những năm 1930.
Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổn thất tích lũy của kinh tế thế giới tính tới năm sau có thể chạm mốc 9.000 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới là Nhật Bản và Đức cộng lại.
IMF cũng kêu gọi Fed mở rộng hạn mức hoán đổi hỗ trợ thanh khoản sang các thị trường mới nổi, nơi đang đối mặt với vấn đề kép là hoạt động bị đình lại và các điều kiện tài chính bị thắt chặt. Tổ chức này cho biết, một số quốc gia có thể cần phải chuyển sang giới hạn tạm thời về dòng vốn.
(Theo dailyfx, Vietcombank)
>> Tỷ giá ngày 15/4: Lạc quan của Tổng thống không giúp gì cho đồng USD