Tỷ giá ngày 11/5: Quá nhiều thứ ‘kìm hãm’ đồng USD

Vai trò ‘thiên đường an toàn’ của đồng USD tạm thời bị lu mờ khi tâm trạng lạc quan quay trở lại với nhiều nhà đầu tư.

>> Tỷ giá ngày 8/5: Đồng USD giảm mạnh khi nhiều nước dần nới lỏng các hạn chế

Tỷ giá trong nước

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng nhà nước công bố hôm nay (11/5) ở mức 23.252 VND/USD, giảm 10 đồng so với ngày 8/5. 

Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 10h sáng nay, giá mua vào USD của VIB đang đứng đầu với 23.270 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.400 VND/USD.

So với cuối tuần trước, VPBank đã điều chỉnh giá USD giảm nhiều nhất với 60 đồng ở cả hai chiều. BIDV và ACB đều giảm 30 đồng. Vietcombank và Vietinbank đều giảm 20 đồng.Techcombank, MB giảm lần lượt 14 đồng và 5 đồng. Sacombank giảm 27/13 đồng (bán ra). HDBank giảm 20/10 đồng.

Trong tuần trước, MB giảm 105/75 đồng. Sacombank, Vietinbank, Techcombank giảm lần lượt 71 đồng, 66 đồng và 64 đồng. Vietcombank và BIDV đã giảm 60 đồng ở cả hai chiều. ACB giảm 60/70 đồng. VIB giảm 90/70 đồng. HDBank giảm 70/30 đồng. VPBank giảm 45 đồng.

Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì bảy đồng được điều chỉnh tăng so với cuối tuần trước, trong đó AUD lên mạnh nhất với 0,6%. Còn lại ba đồng gồm USD, HKD và JPY giảm.

Tỷ giá ngày 11/5 và thay đổi so với ngày 9/5. Nguồn: Vietcombank.

Tuần trước, chín đồng tiền được điều chỉnh giảm, trong đó GBP giảm mạnh nhất 0,86%. AUD theo sau giảm 0,44%. Riêng THB tăng 0,33%.

Biến động tỷ giá ngoại tệ tuần trước.

Tỷ giá quốc tế

Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD đã mất mốc 100 điểm vào cuối tuần trước, nhưng vẫn tăng 0,66% so với tuần trước đó. Vai trò ‘thiên đường an toàn’ của đồng bạc xanh tạm thời bị lu mờ khi tâm trạng lạc quan quay trở lại với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones được đẩy cao hơn.

Các quan chức của Mỹ và Trung Quốc vừa có động thái thúc đẩy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước.

Diễn biến này xảy ra sau khi ông Donald Trump dọa khai tử thỏa thuận thương mại vừa được ký hồi tháng 1/2020 nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Chính quyền ông Trump còn thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ sớm đưa chuỗi cung ứng toàn cầu rời khỏi Trung Quốc sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh Washington đang cân nhắc mức thuế trừng phạt mới áp lên hàng hóa của Bắc Kinh và làn sóng bài Trung được cho là cao nhất 30 năm qua.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới Covid-19 và tử vong giảm mạnh khiến giới đầu tư và thương nhân kỳ vọng nhiều nước gỡ bỏ dần hạn chế và khôi phục lại các hoạt động kinh tế. Thống đốc New York Andrew Cuomo lưu ý rằng họ ‘cuối cùng đã đi trước’ virus Corona.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ vào tuần trước, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng cao tới 14,7% khi số lượng việc làm đã ký hợp đồng ở khu vực phi nông nghiệp giảm kỷ lục 20,5 triệu. Thêm nữa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ vào tuần cuối tháng 4 cũng tăng hơn 3,1 triệu. Tuy nhiên, theo Daniel Dubrocsky, Nhà phân tích thị trường của DailyFX, những dữ liệu này không hoàn toàn ảm đạm như các nhà kinh tế dự đoán.

Thêm nữa, thị trường có thể hy vọng vào tương lai khi một số nước đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng vào năm sau. Ở Úc, Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) dự đoán rằng năm nay GDP nước này âm nhưng sẽ đảo ngược vào năm 2021. Còn Ngân hàng Anh (BoE) cũng hình dung ra một kịch bản tương tự khi họ giữ nguyên lãi suất vào tuần trước. Tuy nhiên, những dự báo này vẫn thừa nhận nguy cơ còn kéo dài.

Tốc độ và sự khẩn cấp của việc thông qua các biện pháp kích thích bổ sung dường như được kéo giãn. Sự chậm lại trong tốc độ tăng số ca nhiễm mới của Hoa Kỳ cũng đi song song với việc mở rộng nhanh chóng trong bảng cân đối của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. 

Trên thực tế, vào thứ Sáu vừa qua, Fed đã thông báo rằng họ tiếp tục làm chậm tốc độ mua vào trái phiếu Kho bạc Mỹ xuống còn 7 tỷ USD mỗi ngày, giảm từ mức 8 tỷ USD trước đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào tuần trước rằng ông không vội vàng tung biện pháp cứu trợ tiếp theo. Tốc độ phục hồi trên phố Wall cũng đang chậm lại. Điều đó có thể làm cho thị trường chứng khoán ngày càng khó khăn hơn để thiết lập mức cao mới. Nguy cơ vẫn còn tồn lại khi các quốc gia mở cửa trở lại, số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng lên, thì sẽ mở ra cánh cửa đảo ngược việc nới lỏng dần hạn chế.

Với những khả năng có thể xảy ra ở trên, ông Daniel Dubrocsky đưa ra dự báo trung lập cho triển vọng cơ bản của đồng USD vào tuần này.

Trong khi đó, đồng Euro đã bị ảnh hưởng nặng nề vào tuần trước sau phán quyết của Tòa án Đức dành cho chương trình kích thích kinh tế do Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phát động từ năm 2015. Tòa án này yêu cầu cấm Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) tham gia chương trình của ECB sau thời gian quá độ không quá ba tháng.

Cho đến nay, ECB dường như là thành phần duy nhất đang cố xoa dịu ‘nỗi đau’ kinh tế của khu vực đồng tiền chung do sự bùng phát của virus Corona, trong khi đó, các chính phủ thuộc khu vực này vẫn không đồng ý về phản ứng tài khóa chung. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra trong tuần này là liệu những người tham gia thị trường có trở nên quá tiêu cực đối với đồng Euro hay không. Tuần trước, đồng Euro đã giảm 1,3% so với đồng USD.

Next Post

Chứng khoán ngày 11/5: Phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, VN-Index đạt đỉnh 2 tháng

T3 Th5 12 , 2020
VN-Index hôm nay tăng 14,6 điểm, lên mức 828,33 điểm, cao nhất kể từ phiên 11/3/2020 với thanh khoản vẫn trên mức trung bình 20 phiên.
Copyright All right reserved

Chuyên mục