Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc thành kinh đô sản xuất mới?

Xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tăng tốc trong khi Trung Quốc dần mất thị phần, nhưng liệu Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc thành kinh đô sản xuất mới?

>> Kế hoạch 600 tỷ USD đối trọng với Trung Quốc của G7

Những kết quả xuất khẩu ấn tượng thời gian gần đây của Việt Nam đang dấy lên một số lo ngại tại Trung Quốc rằng quốc gia này sẽ mất danh hiệu “công xưởng thế giới” giữa bối cảnh áp lực bên ngoài gia tăng, cộng với tình hình kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại đây gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

SCMP dẫn lời giáo sư kinh tế Tang Jie, cựu phó thị trưởng Thâm Quyến, nhận định rằng, các ngành công nghiệp tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang Đông Nam Á, khi khoảng cách phát triển kinh tế giữa nước này và các nước láng giềng gia tăng.

Theo đó, thu nhập trung bình tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, nên không tránh khỏi sự dịch chuyển, giống như sự xuất hiện của các ngành công nghiệp khổng lồ khi Trung Quốc cải cách.

“Trung Quốc phải thận trọng khi xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua Thâm Quyến. Vấn đề thực sự mà chúng ta phải giải quyết là nâng cấp tất yếu trong ngành sản xuất”, ông Tang Jie nhấn mạnh.

“Chúng ta không thể đơn giản nói với các công ty rằng ‘đừng đi’, mà thay vào đó, cần tạo ra một môi trường tốt hơn nhằm tạo điều kiện cho các công ty phát triển chuỗi giá trị”.

Dữ liệu cho thấy, trong quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 89 tỷ USD, cao hơn nhiều mức gần 61 tỷ USD của Thẩm Quyến – một trung tâm xuất khẩu chính của Trung Quốc.

Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc thành kinh đô sản xuất mới?

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, trong nhận định gần đây, đánh giá, với những yếu tố cơ bản vững chắc và vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam hiện đang vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất trên thế giới.

“Một vị thế tuyệt vời có được nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt trong việc ký kết các hiệp định thương mại. Thông qua những trao đổi của HSBC Việt Nam với các khách hàng doanh nghiệp đa quốc gia, chúng tôi tin rằng, xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam không phải là tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài”, ông cho biết.

Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới, HSBC đánh giá trong phân tích hồi giữa tháng trước.

Với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, qua thời gian, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ, dù giá trị cộng thêm vẫn chưa cao trong lĩnh vực điện tử.

Xuất khẩu điện tử đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 32% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, chỉ số này năm 2000 đạt chưa tới 1 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng giá trị xuất khẩu.

Ngoài điện thoại thông minh, Việt Nam cũng đang dần gia tăng thị phần máy tính xách tay trên thế giới, đã vượt qua Malaysia để trở thành nước sản xuất chính trong khu vực ASEAN.

Trong khi đó, Việt Nam cũng vươn lên thành nước cung cấp bộ vi xử lý/điều khiển, dù sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam thường là bộ vi xử lý giá trị thấp hơn dùng trong nhiều mặt hàng điện tử.

Vị thế lớn của Trung Quốc

Tuy vậy, nhiều phân tích khác cho rằng, Trung Quốc có nhiều yếu tố nội tại để không lo lắng về khả năng bị thay thế, bất chấp các biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt và phong tỏa ở Trung Quốc, cũng như việc nhiều đơn hàng đang dịch chuyển sang Đông Nam Á.

Chuyên gia kinh tế Yao Yang, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Không cần lo lắng về việc các ngành sản xuất tại Trung Quốc đang chuyển hướng sang Đông Nam Á, bởi những ngành rời đi ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị”, SCMP dẫn lời.

Vị này cho rằng, dù có những quan ngại khi năng lực sản xuất của Việt Nam tăng lên, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì danh hiệu “nhà máy của thế giới” trong ít nhất 30 năm nữa.

Theo phân tích, việc dịch chuyển các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang Đông Nam Á sẽ giúp người tiêu dùng tại Trung Quốc hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ, trong khi các ngành công nghiệp trong nước có thêm năng lực để nâng cấp.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng không phải là điều bất ngờ, hay điều gây lo lắng đối với các nhà sản xuất ở Quảng Đông, bởi quá trình dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài đã diễn ra vài năm.

Trên thực tế, tính trong tháng 3, mặc dù giá trị xuất khẩu của Việt Nam vượt qua Thâm Quyến, con số hơn 34 tỷ USD chỉ bằng 60% so với kim ngạch xuất khẩu của Quảng Đông – một tỉnh có dân số tương đương Việt Nam.

Bên cạnh đó, SCMP dẫn lời chuyên gia cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam được đóng góp bởi các ngành công nghiệp của Trung Quốc, nên nước này cũng được hưởng lợi, cũng như tránh được các tranh chấp thương mại.

Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc đầu tháng này nhận định, các lợi thế của Trung Quốc, bao gồm tiềm năng thị trường rộng lớn, đổi mới gia tăng, hiệu quả tổng thể cao, đang giúp nước này tiếp tục thu hút các công ty đa quốc gia.

Cùng với đó, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực ngày càng trở nên quan trọng, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước châu Á.

Việc đầu tư tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc thiết lập mối liên hệ sâu sắc với toàn bộ châu Á, và tạo dư địa rộng lớn hơn để phát triển, báo cáo nhấn mạnh. 

Theo TheLEADER

Next Post

Vì đâu làn sóng IPO nhanh chóng lụi tàn sau một năm kỷ lục?

T5 Th6 30 , 2022
Triển vọng kinh tế đầy ảm đạm sau Covid-19 đang khiến làn sóng IPO nhanh chóng lụi tàn sau khi dâng cao vào năm ngoái.
Copyright All right reserved

Chuyên mục