18:34 27/03
Số ca nhiễm Covid-19 lên 163
Chiều 27/3 Bộ Y tế ghi nhận thêm 10 ca dương tính Covid-19, trong đó 3 ca có liên quan tới “bệnh nhân 133” tại Bệnh viện Bạch Mai.
“Bệnh nhân 154”, nữ, 23 tuổi, địa chỉ tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh, là du học sinh tại Anh từ năm 2018. Ngày 22/3, cô từ London về Cần Thơ trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN50, số ghế 12C – chung chuyến bay với “bệnh nhân 145”.
“Bệnh nhân 155”, nữ, 21 tuổi, địa chỉ tại thôn Trung, thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, sinh viên trường Đại học Huddersfield (Anh). Ngày 22/3, cô bay từ London về tới Cần Thơ trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN50, số ghế 2K – chung chuyến bay với “bệnh nhân 145”.
“Bệnh nhân 156”, nam, 21 tuổi, địa chỉ tại Phường 7, TP Trà Vinh, du học sinh tại Anh. Ngày 22/3, cậu bay từ London (Anh) về tới Cần Thơ trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN50, số ghế 23G – chung chuyến với “bệnh nhân 145”.
“Bệnh nhân 157”, nữ, quốc tịch Anh, 31 tuổi, giáo viên Eschool – Eclass, hiện ngụ tại đường Tôn Đản, phường 13, quận 4, TP HCM. Cô tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong quán bar Buddha.
“Bệnh nhân 158”, nam, quốc tịch Brazil, 45 tuổi, kỹ thuật viên, ngụ tại đường 42, quận 2, TP HCM. Anh tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong quán bar Buddha ngày 14/3.
“Bệnh nhân 159”, nam, quốc tịch Brazil, 33 tuổi, hiện ngụ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM. Anh tiếp xúc ca bệnh dương tính trong quán bar Buddha ngày 14/3.
“Bệnh nhân 160”, nữ, 30 tuổi, ngụ tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Từ ngày 20/3, cô bị đau họng, ho khan, không sốt. Một tháng trước bệnh nhân ở Madrid, Tây Ban Nha, tiếp xúc với chị gái mắc Covid-19. Ngày 22/3, cô bay về Việt Nam theo hành trình Madrid – Moskva trên chuyến bay SU2605; Moskva – TP HCM trên chuyến bay SU292.
“Bệnh nhân 161”, nữ, 88 tuổi, ngụ tại Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên. Từ ngày 17/3 bà bị đau đầu, hôn mê, được đưa tới Bệnh viện Phố Nối, Hưng Yên, chụp CT-Scan chẩn đoán chảy máu não, não thất. Bà được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai nằm tại Phòng điều trị tự nguyên, Khoa Thần kinh, nằm cùng phòng với “bệnh nhân 133” từ ngày 17-22/3.
“Bệnh nhân 162”, nữ, 63 tuổi, con dâu “bệnh nhân 161”, ngụ tại Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội.
“Bệnh nhân 163”, nữ, 43 tuổi, cháu gái “bệnh nhân 161”, ngụ tại Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội.
18:14 27/03
Chứng khoán Việt có phiên tăng điểm thứ 3, khối ngoại trở lại mua ròng
Mặc dù áp lực bán chốt lời khá lớn nhưng một số mã lớn, đặc biệt là VIC đã làm tốt vai trò trụ đỡ, giúp thị trường thoát hiểm và duy trì sắc xanh trong phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 27/3, VN-Index tăng 1,85 điểm (+0,27%) lên 696,06 điểm.
Một trong những điểm nhấn của thị trường chính là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài. Sau chuỗi ngày dài với 33 phiên bán ròng, khối ngoại đã trở lại trạng thái mua ròng, dù giá trị chỉ hơn 30 tỷ đồng, nhưng đây sẽ là động thái hỗ trợ tích cực cho tâm lý thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp và ảnh hưởng mạnh tới hầu hết các ngành nghề.Tại thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt khởi sắc trở lại sau phiên điều chỉnh hôm qua.
Kết thúc phiên 27/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 724,83 điểm (+3,88%), lên 19.389,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,29 điểm (+0,26%), lên 2.772,2 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,94 điểm (+0,56%), lên 23.484,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,49 điểm (+1,87%), lên 1.717,73 điểm.
16:54 27/03
Phó thủ tướng: ‘Quyết tâm không để đến 1.000 người nhiễm Covid-19′
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu kiên trì các biện pháp chống dịch hiện nay, Việt Nam sẽ không rơi vào kịch bản tăng đến 1.000 bệnh nhân Covid.
Phó thủ tướng nêu quan điểm trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), sáng 27/3. Ông phân tích, thống kê trên thế giới cho thấy, thời gian trung bình để số ca nhiễm Covid-19 tăng từ 100 lên 1.000 là 9 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày). Nếu suy luận tương tự, ngày 22/3, Việt Nam ghi nhận 100 ca nhiễm mới, đến 31/3 khả năng lên 1.000 ca nhiễm.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng khẳng định sẽ không có 1.000 ca nhiễm vào thời điểm đó, vì “chúng ta có các giải pháp của Việt Nam và đến giờ phút này, các giải pháp đó là rất hiệu quả”.
“Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các ổ dịch, thậm chí tiếp cận những ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay”, ông nói.
16:53 27/03
TP. HCM chi hơn 2.750 tỷ đồng chống Covid-19
Tại kỳ họp thứ 19 HĐND TP HCM khoá IX chiều 27/3, các đại biểu thông qua Nghị quyết chi 2.753 tỷ đồng cho công tác phòng chống Covid-19.
Theo đó, tổng kinh phí cho các cơ sở cách ly và điều trị là 323 tỷ đồng; hỗ trợ người cách ly 126 tỷ; mua 10 ôtô chuyên dùng áp lực âm khoảng 135 tỷ; mua khẩu trang 112 tỷ; kinh phí tuyên truyền, đào tạo là 257 tỷ; hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch mỗi người lĩnh một triệu/tháng, tổng cộng khoảng 1.800 tỷ đồng.
Cụ thể, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế (kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng để kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung và không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú), mỗi người đang điều trị Covid-19 được hỗ trợ tiền ăn 90.000 đồng/ngày.
Công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia phòng chống dịch được hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày; nhân viên y tế 120.000 đồng/người/ngày. Thời gian thực hiện trong thời điểm áp dụng biện pháp cách ly y tế và điều trị Covid-19.
Những người lao động bị mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, bao gồm giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ được hỗ trợ một triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc; tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Số lượng lao động được hỗ trợ (dự kiến) là 600.000 lao động.
13:31 27/03
Ba bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng xuất viện
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận sức khỏe và giấy chuyển cách ly cho “bệnh nhân 22”, “bệnh nhân 23” và “bệnh nhân 35”.
Để đảm bảo an toàn chống lây nhiễm sau khi xuất viện, ba người phải tiếp tục cách ly 14 ngày. Họ di chuyển thẳng từ Khoa Y học Nhiệt đới của bệnh viện ra hai xe cứu thương để về điểm cách ly. Những người có mặt được yêu cầu giữ khoảng cách 2 mét.
Nữ nhân viên 28 tuổi – “bệnh nhân 35” – sẽ cách ly tại nhà ở quận Hải Châu, dưới sự giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng. Hai du khách Anh (60 và 66 tuổi) về cách ly tại khách sạn ở quận Sơn Trà và được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân chỉ cần xét nghiệm 2 lần âm tính là có thể khẳng định khỏi bệnh. Tuy nhiên Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành 3 lần xét nghiệm liên tục, kết quả đều âm tính.
11:17 27/03
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân
Bộ Y tế cho biết thời gian qua nhận được đề xuất nghiên cứu của đơn vị trực thuộc về buồng khử khuẩn toàn thân di động. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ thông qua do chưa đủ tài liệu chứng minh, cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.
“Trong thời gian Bộ Y tế xem xét, đánh giá, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn”, thông báo của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đề nghị người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài khi không cần thiết. Nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang. Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%…
09:23 27/03
Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm nội địa đầu tiên sau ba ngày
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho hay, nước này ghi nhận 55 ca nhiễm mới, trong đó một ca nhiễm nội địa ở tỉnh Chiết Giang, 54 ca có nguồn gốc nước ngoài, song không rõ quốc tịch.
Đây là lần đầu tiên sau ba ngày, Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm nội địa mới, với hầu hết các ca nhiễm trong những ngày gần đây đều là những ca “ngoại nhập”. Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đại lục hiện là 81.340 người, số người chết là 3.292, tăng 5 ca so với một ngày trước đó.
08:26 27/03
Chứng khoán châu Âu và phố Wall khởi sắc nhờ những “liều thuốc” tốt
Gói kích thích 2.000 tỷ USD vẫn là “liều thuốc” tốt giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng mạnh ngày thứ Năm (26/3).
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Dow Jones tăng 1.351,62 điểm (+6,38%), lên 22.552,17 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 154,51 điểm (+6,24%), lên 2.630,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 413,24 điểm (+5,60%), lên 7.797,54 điểm.
Tại thị trường châu Âu, kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thông qua gói cứu trợ khẩn cấp để đối phó với ảnh hưởng kinh tế do Covid-19, cũng giúp các chỉ số đảo chiều hồi phục cuối phiên.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 127,53 điểm (+2,24%), lên 5.815,73 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 126,70 điểm (+1,28%), lên 10.000,96 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 111,29 điểm (+2,51%), lên 4.543,58 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á đồng loạt quay đầu điều chỉnh sau 2 phiên tăng mạnh.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 882,03 điểm (-4,51%), xuống 18.664,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,68 điểm (-0,60%), xuống 2.764,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 174,85 điểm (-0,74%), xuống 23.352,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,52 điểm (-1,09%), xuống 1.686,24 điểm.
07:03 27/03
Hơn 500.000 người nhiễm Covid-19 toàn cầu
Covid-19 xuất hiện ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc và Italy để trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới.
Mỹ ghi nhận thêm 14.933 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm trên cả nước lên 83.144. Nước này cũng ghi nhận thêm 174 người chết, nâng số ca tử vong lên 1.201. New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi số ca nhiễm tại các bang và thành phố khác cũng tăng lên nhanh chóng.
Italy, vùng dịch lớn thứ ba thế giới và thứ nhất châu Âu, ghi nhận 712 ca tử vong mới, cao hơn mức tăng 683 ca một ngày trước đó. Tổng cộng Italy báo cáo 80.589 ca nhiễm và 8.215 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong là 10%, cao hơn hai lần trung bình toàn cầu 4,6%.
Tây Ban Nha vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 57.786 ca nhiễm và 4.365 người chết, tăng lần lượt 8.271 và 718 ca so với một ngày trước đó.
Đức ghi nhận thêm 6.615 ca nhiễm và 61 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 43.938 và 267.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 29.406 người nhiễm và 2.2334 ca tử vong.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.031 ca nhiễm và 23 người chết.
Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 78 người chết trong 893 người nhiễm. Tỷ lệ tử vong là 8,7%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
>> Covid-19 ngày 26/03: Hà Nội công bố “ổ dịch” mới – Bệnh viện Bạch Mai