>> Giá vàng ngày 9/4: Lượng vàng tại các quỹ ETF tăng cao lịch sử
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới giao ngay đã vọt lên gần ngưỡng kháng cự 1.700 USD/ounce trong phiên Mỹ đêm qua do nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái.
Dữ liệu kinh tế Mỹ đáng sợ được công bố hôm qua, cũng như một gói kích thích khổng lồ của Fed được công bố, đang thúc đẩy mạnh mẽ kim loại quý. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 61,3 USD lên 1.745,9 USD/ounce, mức cao nhất trong 7,5 năm qua trên thị trường tương lai.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào thứ Năm đã công bố một kế hoạch mới cho vay/ kích thích trị giá 2,3 nghìn USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, các tiểu bang, hạt và thành phố của Mỹ đang chịu thiệt hại nặng nề do phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ trong đại dịch Covid-19.
Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết sẽ cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay kỳ hạn 4 năm cho các doanh nghiệp có quy mô tới 10.000 nhân viên hoặc có doanh thu không quá 2,5 tỷ USD và sẽ trực tiếp mua trái phiếu của các bang cũng như các hạt và các thành phố đông dân nhằm giúp những nơi này chống chịu tốt hơn trước cuộc khủng hoảng y tế.
Theo Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích kỹ thuật Kitco, gói kích thích ‘còi cọc’ trước đó từ Fed và chính phủ liên bang, mà bộ trưởng Bộ Tài chính vài năm trước đã coi đó là một Bazzoka (một loại súng của Mỹ có sức công phá mạnh). Cho nên, động thái hôm qua của Fed được xem như một “quả bom nguyên tử”.
Dường như không thể tin được rằng gói kích thích khổng lồ kinh tế và tiền tệ từ Chính phủ Mỹ có thể không gây ra gia tăng lạm phát giá cả.
Báo cáo về số lượng đơn yêu cầu thất nghiệp hàng tuần mới nhất của Mỹ cho thấy mức tăng 6,6 triệu, cao hơn dự báo 5 triệu trước đó trên thị trường, sau khi đã tăng hơn 6 triệu vào tuần trước và hơn 3 triệu vào tuần trước nữa.
Hôm qua là ngày giao dịch cuối cùng trong tuần này đối với hầu hết các thị trường trước kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh tại nhiều nơi. Do đó, thị trường vàng đóng cửa tuần sớm tại 1.685,6 USD/ounce, tăng 3,9% so với giá đóng cửa tuần trước.
Trong khi đại dịch Covid-19 tiếp tục giết chết hàng ngàn người trên toàn thế giới, tốc độ lây lan của dịch bệnh dường như đang chậm lại. Câu hỏi của các thương nhân và nhà đầu tư bây giờ là nếu đường cong số ca nhiễm Covid-19 thực sự bị san phẳng thì Chính phủ sẽ khởi động lại nền kinh tế bị tê liệt của họ vào thời điểm nào. Có lẽ ngày 1/5 là ngày lạc quan nhất để khởi động lại một phần nền kinh tế Mỹ.
OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng
Cũng vào hôm qua, một cuộc họp từ xa của OPEC cộng Nga đã được tổ chức để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu thô. Theo Đài CNN của Mỹ, thỏa thuận cắt giảm đã đạt được và điều này sẽ mở đường cho việc giá dầu tăng trở lại.
Theo đó, Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất ngoài OPEC và Ả Rập Xê-út – quốc gia dẫn dắt OPEC, đồng ý cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới. Từ tháng 7 tới tháng 12/2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 là 6 triệu thùng/ngày.
Giá dầu thô Nymex cao hơn một cách khiêm tốn vào hôm qua và giao dịch quanh mức 25,25 USD/ thùng. Trong khi đó, chỉ số đồng USD giảm mạnh xuống dưới mốc 100 điểm.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng của giá vàng giao tháng 6 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn mạnh mẽ. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc 1.800 USD/ounce. Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.670 USD/ounce.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng 10/4, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá ở mức 47,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,45 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 350.000 đồng ở chiều mua vào và 250.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 47,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,3 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 250.000 đồng chiều mua vào và 180.000 đồng ở chiều bán ra ở cả 2 chiều so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)