“Thị trường bắt đầu tập trung ít hơn vào các thông tin có tiêu đề virus Corona, hay giảm nhảy cảm với các tin tức tốt hơn liên quan đến dịch bệnh.”
>> Tỷ giá ngày 17/4: Tin tốt về thuốc trị Covid-19 đẩy đồng USD thoái lui
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (20/4) ở mức 23.238 VND/USD, giảm 3 đồng so với ngày 17/4.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 9h30h sáng nay, giá mua vào USD của Sacombank đang đứng đầu với 23.394 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng HDBank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.510 VND/USD.
So với cuối tuần trước, Sacombank điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 49/18 đồng (bán ra). Techcombank và BIDV tăng lần lượt 20 đồng và 15 đồng ở cả 2 chiều. Vietcombank, Vietinbank, HDBank đều tăng 10 đồng. ACB tăng 10 đồng ở chiều mua vào. Riêng VPBank giảm 10 đồng ở cả 2 chiều. VIB giảm 10 đồng ở chiều bán ra.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì 9 đồng được điều chỉnh tăng so với cuối tuần trước, trong đó GBP lên mạnh nhất với lần lượt 0,31%. Riêng JPY giảm 0,1%.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD đã tăng 0,28% vào tuần trước và tiếp tục nằm sát dưới mốc 100 điểm vào sáng nay. Các chuyên gia phân tích cho rằng về mặt kỹ thuật, sự biến động của chỉ số đồng USD vào tuần này khó dự đoán nhưng khả năng xu hướng tăng nhiều hơn là giảm.
Đồng bạc xanh sẽ đối mặt một tuần mới với ít dữ liệu quan trọng, đáng kể nhất là báo cáo hợp đồng hàng hóa dài hạn trong tháng 3 được công bố vào thứ Sáu. Trong khi đó, với các dữ liệu quan trọng vừa qua, chỉ số đồng USD dường như vẫn giữ được vùng điểm cao trong các trường hợp xấu nhất.
Những con số thất nghiệp gần đây của Mỹ đã đạt kỷ lục trong nhiều thập kỷ nhưng đồng bạc xanh vẫn được đẩy cao hơn khi nhu cầu về tài sản trú ẩn vẫn còn.
Tuy nhiên, với việc Fed bơm hàng nghìn tỷ đồng USD vào thị trường thông qua các chương trình khác nhau, nhu cầu về đồng USD có thể sẽ sớm giảm nhiệt.
Theo Nick Cawley, chuyên gia phân tích của DailyFX, về mặt kỹ thuật, độ rộng giữa mức hỗ trợ và kháng cự của chỉ số đồng USD ngày càng thu hẹp hơn nhiều so với tháng trước. Điều này càng kéo dài, khả năng phá vỡ phạm vi càng lớn, đặc biệt là trong khi vùng biến động vẫn ở mức đỉnh gần đây. Với lý giải này, triển vọng của đồng USD vào tuần này vẫn là trung lập.
Tuần này được các chuyên gia đánh giá là rất quan trọng đối với giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 khi chính phủ ở nhiều nước trên thế giới thực hiện các bước dự kiến để tháo gỡ dần lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội hiện nay.
Thị trường bắt đầu tập trung ít hơn vào các thông tin có tiêu đề virus Corona, hay giảm nhảy cảm với các tin tức tốt hơn liên quan đến dịch bệnh. Chris Weston, Giám đốc nghiên cứu tại công ty môi giới Pepperstone ở Melbourne cho biết, nhà đầu tư và giới phân tích sẽ tập trung nhiều hơn vào các tác động lâu dài đến nền kinh tế và khả năng thanh khoản.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay
Trong dự báo kinh tế mới nhất, IMF cho biết kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay, thấp hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009. Các quốc gia trong nhóm mới nổi và đang phát triển đều phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế, trong khi đó, dịch bệnh sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà xuất khẩu. Sự tái phát của Covid-19 vào năm 2021, nếu xảy ra, có thể khiến các nền kinh tế phải vật lộn trong nhiều năm tới.
Trong một thông báo chung vào ngày 17/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và người đứng đầu Hiệp hội kinh doanh nhỏ (SBA) Jovita Carranza cho hay chương trình PPP đang “giữ lại” hàng triệu việc làm cho người lao động Mỹ và giúp 1,6 triệu doanh nghiệp nhỏ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay thông qua chương trình hỗ trợ tín dụng.
Trở lại với diễn biến giao dịch, sáng nay, cặp USD/JPY tăng mạnh 0,3% lên 107,84. Còn đồng Euro giảm 0,13%, tiếp nối đà suy yếu bắt đầu từ ngày 14/4. Đồng bảng Anh giảm tiếp 0,23%.