Giá vàng thế giới đã đột phá ngưỡng 1.980 USD/ounce sáng nay. Đà tăng được tiếp thêm ‘nhiên liệu đốt’ khi các quỹ ETF gia tăng nắm giữ vàng.
>> Dự báo giá vàng tuần 27 – 31/7: Đạt mốc 2.000 USD/ounce
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh lịch sử mới và hiện đã đột phá ngưỡng kháng cự mới 1.980 USD/ounce. Chỉ trong hơn 1 ngày, giá tăng tới hơn 80 USD/ounce, hay 4,2%, biên độ dao động giá hàng ngày lớn nhất từ trước đến nay của loại tài sản này.
Như dự báo của các chuyên gia, sau khi vượt qua đỉnh lịch sử 1.920,7 USD/ounce vào tháng 9/2011 thì vàng sẽ hướng tới mục tiêu giá tiếp theo là 2.000 USD/ounce.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã tăng 68 USD lên mức 1.966,5 USD/ounce.
Kim loại quý trở thành tâm điểm trên thị trường tài chính toàn cầu vào ngày đầu tuần trong bối cảnh các yếu tố cơ bản và kỹ thuật hỗ trợ mạnh mẽ.
Giới đầu tư ngày càng lo ngại về các vấn đề gồm sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới tại các nước công nghiệp lớn, gói kích thích mới của chính phủ Mỹ với tổng trị giá 1.000 tỷ USD, chỉ số đồng USD rớt đáy 2 năm, căng thẳng Mỹ – Trung leo thang và lạm phát.
Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích thị trường của Kitco, ngoài những yếu tố trên, việc các quỹ ETF đổ xô mua vàng đang tiếp thêm ‘nhiên liệu đốt’ cho đà tăng của giá kim loại quý.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng giảm đan xen vào hôm qua. Trong đó, các chỉ số chính trên thị trường Mỹ đều tăng điểm gồm Dow Jones tăng 0,4%; S&P 500 tăng 0,7% và Nasdaq Composite tăng 1,7%.
Tâm lý giới đầu tư được cải thiện sau khi Chính phủ Mỹ phân bổ thêm 472 triệu USD cho nghiên cứu vắc-xin Covid-19 của Công ty Dược phẩm Moderna.
Về gói kích thích mới của Chính phủ Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào ngày 26/7 cho biết Đảng Cộng hòa đã hoàn tất dự luật cứu trợ 1.000 tỷ USD mùa dịch Covid-19. Ông Mnuchin nói thêm ông hy vọng đề xuất này có thể nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng.
Ủy ban thị trường mở (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp vào thứ Ba và thứ Tư tuần này để thảo luận về chính sách tiền tệ của Mỹ. Các chuyên gia dự đoán sẽ không có thay đổi trong chính sách nhưng Fed sẽ nhắc lại việc lãi suất của Mỹ sẽ vẫn ở mức thấp trong một thời gian dài giữa những thách thức đối phó với đại dịch Covid-19.
Các thị trường bên ngoài quan trọng khác hôm qua cho thấy giá dầu thô Nymex giảm và hiện giao dịch quanh mức 40,5 USD/ thùng. Còn chỉ số đồng USD tiếp tục suy yếu ở vùng đáy 2 năm. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm xuống một chút và hiện giao dịch quanh mức 0,58%.
Ipek Ozkardeskaya, Chuyên gia phân tích thị trường tại Swissquote Bank đánh giá thị trường vàng đang trở nên ngày càng ‘chật chội’ và dường như đang ở tình trạng quá mua. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng kim loại quý vẫn có thể đạt mức giá 2.000 USD/ounce trước khi chịu áp lực chốt lời.
Cùng quan điểm đó, các chuyên gia của Commerzbank cũng cho rằng các yếu tố hiện tại sẽ đẩy giá vàng lên tới 2.000 USD/ounce trong vài ngày tới.
Thêm nữa, giá vàng đột ngột leo thang có thể khiến một số nhà đầu tư lo lắng về sự điều chỉnh mạnh mẽ đang diễn ra. Tuy nhiên, ông Carer Fritsch, Chuyên gia phân tích của Commerzbank nhận định một sự giảm giá đáng kể có vẻ rất khó xảy ra. Thực tế, sự gia tăng của giá vàng gần đây hầu như không được thúc đẩy bởi tình trạng đầu cơ để dẫn tới việc điều chỉnh mạnh sau khi tăng nóng.
“Động lực chính đằng sau đà tăng của giá vàng là sự suy yếu ‘không phanh’ của đồng USD và nỗ sợ hãi về tranh chấp tiền tệ”, theo ông Fritsch.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng ngày 28/7, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 56,5 – 58,1 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 1.050.000 – 1.200.000 đồng so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 56,35 – 57,85 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 1.050.000 – 1.250.000 đồng so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)